Nguồn tin BBC (Anh) ngày 28/6 đưa tin Jonathan Ive - thiết kế gia trưởng của Apple và là "cha đẻ" của những tác phẩm để đời như iMac, iPod và iPhone - sẽ rời khỏi tập đoàn công nghệ nổi tiếng này vào cuối năm nay để bắt đầu xây dựng một công ty sáng tạo mang tên LoveForm và Apple sẽ là khách hàng đầu tiên của công ty này.
Theo dự định, LoveFrom sẽ được đặt trụ sở tại California và công ty này sẽ tập trung vào sản phẩm công nghệ có thể đeo được.
Trong một bài viết, ông Ive cho biết Marc Newson - một người bạn và cũng là cộng tác viên của Apple cũng sẽ gia nhập công ty mới của mình. Ông chia sẻ thêm rằng LoveForm cũng sẽ có “một bộ sưu tập sáng tạo” mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực thiết kế.
Ive gia nhập Apple năm 1992 và trở thành người đứng đầu phòng thiết kế của Apple vào năm 1996. Bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp của ông gắn liền với sự ra đời của iMac năm 1998, iPod năm 2001 và những cột mốc khác trong lĩnh vực thiết kế công nghệ, trong đó có iPod Mini, iPhone, MacBook Air, iPad, Apple Watch va AirPods.
“Đây dường như là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện sự thay đổi này. Sau gần 30 năm với vô số dự án, tôi rất tự hào về công việc lâu dài mà chúng tôi đã làm để cùng nhau tạo ra một đội ngũ thiết kế, quy trình và văn hóa tại Apple mà không hãng công nghệ nào có thể sánh được”, ông Jonathan Ive chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự ra đi của ông vào lúc này có thể làm xáo trộn các hoạt động của Apple, vì trước đó, Giám đốc bán lẻ Angela Ahrendts cũng đã nghỉ việc vào tháng Tư và các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về doanh số iPhone sẽ sụt giảm.
Nhà sáng lập Apple, ông Steve Jobs đã từng nói về người đồng nghiệp: “Ive chính là đối tác tinh thần của Apple”. Ive là một nhân vật tương đối trẻ, song Jobs vẫn lựa chọn nhà thiết kế người Anh và coi Ive là một “linh hồn”, người đã chia sẻ ý tưởng cảm nhận về vẻ ngoài của một sản phẩm cũng quan trọng như công nghệ bên trong nó.
Một trong những dự án gần đây nhất của Ive chính là hoàn thiện trụ sở công ty mới của Apple - Apple Park, một khu phức hợp vô cùng hiện đại được hợp tác thiết kế cùng các kiến trúc sư người Anh.
Nhà phân tích chiến lược sáng tạo Ben Bajarin cho biết: “Sự ra đi của Ive là mất mát lớn của công ty công nghệ này. Apple sẽ mất đi một nhân vật chủ chốt trong câu chuyện tăng trưởng dưới thời ông Jobs”.
Từ năm 2012, Jonathan Ive đã đảm nhiệm chức năng giám sát thiết kế cho cả phần cứng và phần mềm tại Apple, hai vai trò trước đó vốn được tách biệt.
Apple cho biết vào ngày 27/6, vai trò sẽ được phân chia lại sau khi Ive rời đi. Trong đó, ông Evans Hankey sẽ đứng đầu về thiết kế phần cứng, còn ông Alan Dye sẽ là người phụ trách thiết kế phần mềm. Cả Hankey và Dye đều là những nhà thiết kế lâu năm của Apple.
Steve Jobs, Jonathan Ive, Lennon và McCartney được coi là sự hợp tác sáng tạo nhất trong lịch sử kinh doanh của Apple, họ là những nhân vật chủ chốt có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự thành công của “hãng công nghệ nghìn tỷ USD” ngày hôm nay.
Sản phẩm “hit” đầu tiên của họ là iMac. Sản phẩm này là một lời tuyên ngôn rằng máy tính cũng có thể trở thành những vật thể thiết kế đẹp trong thị trường PC. Theo sau đó là sự ra đời của IPod, iPhone và iPad với những tiêu chuẩn mới được thiết lập trong thiết kế của các sản phẩm mà các đối thủ công nghệ đã đổ xô bắt chước.
Sau khi Steve Jobs qua đời, có nhiều suy đoán cho rằng một ngày nào đó Ive có thể trở thành Giám đốc điều hành của Apple, thế nhưng điều đó dường như rất khó xảy ra. Thay vào đó, Ive vẫn giữ cương vị chuyên gia thiết kế của công ty.
Trong những năm gần đây, việc phát hiện ra “ma thuật” trong những thiết kế của Ive trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Có thể thấy được Airpods quá nổi tiếng và dường như đã trở thành một “hiện tượng văn hóa” của Apple, hay chiếc giá đỡ màn hình Mac Pro có giá trị 999 USD dường như đã trở thành sản phẩm mới mẻ và sáng tạo nhất trong thị trường công nghệ.
Người đàn ông bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc thiết kế nhà vệ sinh cuối cùng cũng đã trở thành nhân vật chủ chốt của một tập đoàn công nghệ nghìn tỷ USD, mang đến những thiết kế kinh điển nhất trong lịch sử công nghệ, trong đó đặc biệt là các đời điện thoại thông minh iPhone. Và liệu rằng ván cờ mới có đem lại thành công cho người đã từng được coi là “kẻ nắm giữ linh hồn của Apple” hay không?
Ive sinh ra và lớn lên ở Chingford, một ngôi làng ở phía Đông Bắc London trong một gia đình làm nghề thủ công truyền thống, có lẽ bởi vậy mà ông đã được truyền cảm hứng đam mê thiết kế. Thời thơ ấu trôi qua bên người cha của với những món đồ chơi làm bằng tay được phác thảo kỹ càng ra giấy và thói quen này đã ảnh hưởng đến phong cách thiết kế đặc trưng của Ive sau này.
Trước khi trở thành người đứng đầu những thiết kế công nghệ đáng giá nhất lịch sử, năm 20 tuổi người đàn ông này đã từng thiết kế một chiếc tai nghe, một chiếc khuyên tại bằng nhựa để hỗ trợ giao tiếp cho những trẻ em khiếm thính. Ông cũng đạt giải thưởng của Hiệp hội nghệ thuật Hoàng gia Anh nhờ thiết kế máy ATM.
Bắt đầu thiết kế tại công ty khởi nghiệp Tangerine năm 1989, sản phẩm đầu tay của ông là một mẫu thiết kế toilet. Tuy nhiên, sản phẩm lại bị khách hàng từ chối vì quá đắt để sản xuất. Sau đó, ông đã trở thành người đứng đầu bộ phận thiết kế của Apple chỉ sau 4 năm gia nhập công ty này, để rồi đưa iPhone trở thành thiết bị thay đổi vĩnh viễn ngành công nghệ thế giới.
Khác với nhiều nhà thiết kế, Ive dành sự quan tâm đặc biệt đến từng chi tiết nhỏ bé của sản phẩm, ông luôn theo đuổi triết lý “đơn giản nhưng tốt hơn” từ thần tượng của mình, ông Dieter – nhà thiết kế công nghiệp người Đức.
Sự ra đi của Jonathan Ive khép lại "một mối tình đẹp" và một chương thành công của Apple. Với những người gắn bó lâu năm với "Quả táo cắn dở", hình bóng và những thiết kế sáng tạo của Ive sẽ còn lưu dấu mãi.