Bài hát có tên “Thương chiến” do một quan chức nghỉ hưu kiêm nhạc sĩ Trung Quốc sáng tác. Nó xuất hiện trên ứng dụng nhắn tin di động WeChat từ ngày 17/5 và đã được xem hàng trăm nghìn lượt. Bài hát cũng có một video ca nhạc đi kèm.
Bài hát có những ngôn từ chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Mỹ và cam kết làm cho Mỹ “khiếp sợ”.
Theo BBC, các bài hát tuyên truyền vốn không xa lạ ở Trung Quốc. Hát karaoke là hoạt động giải trí phổ biến ở quốc gia châu Á này và đây là con đường hiệu quả để các bài hát tuyên truyền tới được người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và sau khi Washington tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, bài hát là một biện pháp hiệu quả để Bắc Kinh xây dựng quyền lực mềm và khuấy động tâm lý chống Mỹ.
Nhạc sĩ Zhao Liangtian đã đăng phần nhạc bài hát “Thương chiến” lên một nhóm trên WeChat có tên “Các tác giả Trung Quốc của thế giới”. Bài hát đã thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng. Một video ca nhạc của bài hát được đăng sau đó cũng gây sốt.
Video dài 3 phút có hình ảnh một nắm đấm vẽ bằng đồ họa hiện lên trên nền ngọn lửa. Phía sau là các bức ảnh về Trung Quốc hiện lên trên màn hình.
Bài hát có giai điệu tương tự nhạc phim Tunnel Warfare, một bộ phim nổi tiếng có chủ đề chống Nhật thời chiến tranh. Giai điệu nghe như một khẩu hiệu quân đội.
Xem video bài hát "Thương chiến" (nguồn: Dailymail):
Nhạc sĩ Zhao nói với Bloomberg News: “Tôi chọn Tunnel Warfare vì nó gợi nhớ tình hình tương tự mà Trung Quốc đang đối mặt ngày nay. Từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, tôi cảm thấy thôi thúc cần phải làm điều gì đó”.
Ông đã viết lời bài hát nói về tình hình xấu đi trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc như thế này: “Thương chiến, thương chiến, không sợ thách thức ác liệt/Thương chiến đang xảy ra trên Thái Bình Dương, Vành đai và Con đường thậm chí cũng trở thành một phần/Nếu đối phương muốn chiến đấu, chúng ta sẽ đánh cho họ khiếp sợ”.
Thực ra, nhạc sĩ Zhao viết lời bài hát từ năm 2018 và đã đăng lên mạng, nhưng ông cho biết mãi tới khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung bế tắc gần đây thì bài hát mới gây chú ý. Theo ông Zhao, một số bài thơ chống Mỹ của ông từng bị giới chức cấm trước đây. Tuy nhiên, sau khi Mỹ cảnh báo tăng thuế đầu tháng 5, ông Zhao cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi quan điểm.
Nhạc sĩ đã chi 232 USD, tương đương một phần ba lương tháng, để sản xuất bài hát. Ông cho biết đã nhận được rất nhiều cuộc gọi trong những ngày qua từ những người ủng hộ tác phẩm.
Trên 100.000 người dùng WeChat đã xem video ca nhạc này và đã tạo ra một cuộc bàn luận sôi nổi trên trang Sina Weibo. Một người dùng bình luận: “Lời bài hát khiến mọi người cảm thấy sôi sục”.
Nhiều người trên Weibo đã ca ngợi nhạc sĩ Zhao. Một người nhận được tới 1.000 lượt thích vì đã gọi tác giả Zhao là “chiến binh yêu nước anh hùng”. Nhiều người ca ngợi bài hát là một cách để đánh Mỹ, gọi Mỹ là “quá tham lam”.
“Thương chiến” không phải là bài hát đầu tiên mà Trung Quốc tung ra để quảng bá sức mạnh trong bối cảnh xung đột với các nước khác. Trung Quốc từng có nhiều bài hát chống Mỹ trước đó.
Hồi tháng 5/2018, truyền thông chính thống Trung Quốc đã ca ngợi một bài hát mang tên “Gửi bạn”, trong đó có một ban nhạc nam 5 thành viên hát về các thương hiệu nội địa và niềm tự hào Trung Quốc. Bài hát nhấn mạnh việc Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy và người dân không cần mua hàng nước ngoài.
Tháng 5/2017, truyền thông Trung Quốc cũng quảng bá rộng rãi một bài rap đa ngữ do nhóm CD Rev ở Tứ Xuyên biểu diễn có tên “Nói không với THAAD”. Bài hát chỉ trích Hàn Quốc vì phối hợp với Mỹ để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối.
Trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tháng 10/2017, Trung Quốc giới thiệu ít nhất 4 bài hát rap, trong đó có một bài nhấn mạnh những thay đổi mà Trung Quốc đã trải qua dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.