Bộ trên cho biết cơ quan chức năng sẽ cần phân tích trình tự gene đầy đủ để xem liệu đây là biến thể của virus có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi hay Brazil. Tuy nhiên, Bộ Y tế Kazakhstan không nêu rõ đã phát hiện bao nhiêu ca mắc tại thành phố Almaty.
Đến nay, quốc gia Trung Á này xác nhận tổng cộng khoảng 280.000 ca mắc, trong đó có 3.550 ca không qua khỏi.
* Trong khi đó, giới chức Đức nhận định số ca mắc mới tại nước này đang gia tăng theo cấp số nhân, đồng thời cảnh báo khả năng phải tái siết chặt các biện pháp phong tỏa hiện hành.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông báo ngày 19/3 của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết tốc độ lây nhiễm đang ngày càng gia tăng và với biến thể phát hiện ở Anh đang lây lan mạnh, Đức sẽ phải đối mặt với "những tuần khó khăn phía trước".
Theo RKI, tình hình nhiều khả năng sẽ tồi tệ hơn vào dịp Lễ Phục sinh so với thời điểm trước Giáng sinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Phó Chủ tịch RKI Lars Schaade kêu gọi người dân hạn chế gặp gỡ tiếp xúc trong dịp Lễ Phục sinh cũng như đi lại trong nước và ra nước ngoài. Theo ông, việc di chuyển nhiều và tiếp xúc với nhau là tác nhân chính khiến dịch bệnh lây lan mạnh, đặc biệt khi mọi người từ nhiều vùng khác nhau ở Đức cùng gặp gỡ trong dịp Lễ Phục sinh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cảnh báo có thể ngừng nới lỏng những hạn chế trong lệnh phong tỏa hiện nay, thậm chí cần siết chặt hơn trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới đang ngày càng tăng mạnh.
Chuyên gia y tế của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Karl Lauterbach cho rằng trước tình hình gia tăng nhanh các ca nhiễm mới, việc phải áp đặt phong tỏa "cứng" trong thời gian ngắn là khó tránh khỏi. Nếu không, Đức sẽ có tỷ lệ nhiễm mới trung bình 7 ngày/100.000 dân ở mức 200 ca trong vài tuần tới. Ông cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa mọi hoạt động đi lại trong dịp Lễ Phục sinh.
Trước đó, chính trị gia SPD này cảnh báo Đức đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba với tốc độ lây nhiễm tăng theo cấp số nhân, trong đó nhóm từ 15 - 49 tuổi hiện bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khoảng 75% số ca lây nhiễm mới ở Đức là nhiễm biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Điều này khiến việc ngăn chặn virus lây lan trở nên khó khăn.
Ông Lauterbach cũng cảnh báo nếu số ca nhiễm mới không giảm, các khu chăm sóc đặc biệt sẽ bị quá tải trong vài tuần nữa và những người trẻ sẽ phải được điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt lâu hơn so với những người cao tuổi. Tuy nhiên, ông khuyến cáo không nên thay đổi chương trình tiêm chủng và nên tiếp tục sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca với những người cao tuổi.
Trong ngày 19/3, RKI công bố Đức ghi nhận thêm 17.482 ca mắc và 226 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày tăng lên mức 96 ca/100.000 người. Trên toàn nước Đức đã có 357/412 quận/huyện ghi nhận số ca nhiễm mới ở trên mức 50 ca trong 7 ngày/100.000 dân, nhiều hơn 15 quận/huyện so với một ngày trước, trong đó có 150 quận/huyện đã vượt ngưỡng 100 ca.
* Tại Ba Lan, số ca mắc mới bệnh COVID-19 gia tăng nhanh với tổng số ca mắc đã vượt 2 triệu người trong khi nước này đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Y tế, quốc gia Trung Âu này có thêm 25.998 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 2.010.244 ca với 48.807 ca tử vong kể từ đầu mùa dịch.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Wojciech Andrusiewicz cho biết biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh hiện là nguyên nhân gây ra hơn 60% số ca mắc tại Ba Lan, đồng thời cảnh báo tỷ lệ này sẽ sớm tiến tới 80%.