Trong tuyên bố, cảnh sát Almaty khẳng định đang tiến hành một "chiến dịch chống khủng bố". Động thái này diễn ra sau khi phe đối lập do cựu quan chức ngân hàng Kazakhstan, Mukhtar Ablyazov dẫn đầu, tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình bên ngoài các tòa nhà chính phủ ở những thành phố lớn trên khắp cả nước. Trước đó, tòa án Kazakhstan đã ra phán quyết coi phong trào chính trị của ông Ablyazov là tổ chức cực đoan.
Cùng ngày, truyền thông Nga dẫn lời Tướng Andrei Serdyukov, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) triển khai tại Kazakhstan, xác nhận: "Hoạt động gìn giữ hòa bình trên lãnh thổ của Cộng hòa Kazakhstan theo quyết định của Hội đồng an ninh tập thể thuộc CSTO, đã được hoàn tất".
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo 4 máy bay quân sự chở các binh sĩ cuối cùng đã rời khỏi thủ đô Nur-Sultan và thành phố Almaty của Kazakhstan. Chiến dịch rút quân này diễn ra cùng ngày Kazakhstan thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên cả nước.
Trong những ngày đầu năm 2022, biểu tình bạo loạn leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh và thành phố lớn của nước này, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của CSTO. Sau khoảng 1 tuần lực lượng CSTO triển khai tại Kazakhstan, tình hình bất ổn ở quốc gia Trung Á này đã được kiểm soát. Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết lực lượng an ninh đã bắt giữ khoảng 9.000 đối tượng tham gia bạo loạn.
Trong chuyến thị sát thành phố Almaty mới đây, Tổng thống Tokayev tuyên bố các lực lượng CSTO đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ổn định tình hình ở quốc gia này.