Từ Liên hợp quốc (LHQ), các cơ quan viện trợ đến các bộ trưởng nông nghiệp châu Âu, ngày càng có nhiều lời kêu gọi giải cứu một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được thông qua an toàn trước khi thoả thuận hết hạn vào ngày 17/7.
Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) đã cảnh báo về những tác động lan tỏa thảm khốc đối với tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới nếu không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, trong một nỗ lực cứu vãn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ tuần trước đã đưa ra một nhượng bộ để giải quyết khiếu nại của Nga cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang cản trở xuất khẩu thực phẩm và phân bón của chính nước này.
Ngày 12/7, một phát ngôn viên của LHQ cho biết Tổng thư ký António Guterres đã gửi một lá thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Nhưng những nỗ lực dường như ngày càng vô ích. Nga dường như không bị lay chuyển trước những lời đề nghị thỏa hiệp. "Chúng tôi đã tự nguyện gia hạn cái gọi là thỏa thuận này nhiều lần. Rất nhiều lần. Nhưng cuối cùng thì thế là đã đủ rồi”, Tổng thống Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối 13/7.
Câu hỏi đặt ra ở thủ đô Ukraine bây giờ không còn là liệu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có được gia hạn hay không, mà là làm thế nào để đối phó nếu không có nó.
Michael Magdovitz, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại Rabobank, cho biết: “Vốn dĩ thoả thuận ngũ cốc đã ngừng lại rồi. Thời hạn tuần này chỉ là hình thức thôi. Hàng hóa của Nga vẫn đang lưu thông khá ổn định. Nhưng rõ ràng, hành lang Biển Đen không hoạt động như bình thường”.
Năm 2022, thoả thuận đã cho phép xuất khẩu khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu, cứu giúp nông dân Ukraine cũng như các quốc gia mất an ninh lương thực ở Nam bán cầu.
Trong thời bình, Ukraine - một trong những nước xuất khẩu lúa mì và dầu hướng dương lớn nhất thế giới - đã vận chuyển khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu mỗi tháng qua các cảng ở Biển Đen.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ và các cảng biển của Ukraine bị phong toả vào tháng 2 năm ngoái, con số đó giảm xuống con số không. Nông dân Ukraine không còn nơi nào để tích trữ hoặc bán một vụ mùa bội thu. Giá lương thực toàn cầu tăng vọt khiến nhiều quốc gia ở Nam bán cầu đang đứng bên bờ vực của nạn đói.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/2022, đã đưa ra một lối thoát. Đến tháng 10 cùng năm, 4,2 triệu tấn lương thực đã được xuất khẩu theo sáng kiến này, giảm bớt áp lực lên giá cả toàn cầu.
Đến tháng 5 vừa qua, con số này đã giảm xuống mức thấp nhất là 1,3 triệu tấn. Kiev và các đồng minh cáo buộc Moskva sử dụng lương thực làm vũ khí bằng cách cố tình làm chậm quá trình kiểm tra các lô hàng ngũ cốc.
Về phần mình, Nga bày tỏ sự không hài lòng với thoả thuận. Moskva tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào các cá nhân Nga và ngân hàng nông nghiệp nhà nước đang cản trở hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của chính Nga, trái với điều kiện trong thoả thuận được thống nhất vào tháng 7 năm ngoái, theo đó LHQ cam kết tạo điều kiện cho các hoạt động xuất khẩu này trong thời hạn ba năm. Sau 3 lần gia hạn thoả thuận, dường như Nga đã mất hết kiên nhẫn, từ chối những phương án nhượng bộ từ LHQ.
Theo ông Magdovitz, thị trường cũng đã lường trước cho kịch bản này. Ukraine, trong giai đoạn chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, đã sẵn sàng phương án dự phòng một khi thỏa thuận Biển Đen chấm dứt hoặc đàm phán bị đình trệ.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Istanbul vào tuần trước đã làm dấy lên suy đoán rằng, nếu Nga từ chối cho phép các tàu chở ngũ cốc Ukraine đi qua Biển Đen an toàn, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể hộ tống các tàu chở ngũ cốc.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố với tờ Politico, Vasyl Bondar, đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, bác bỏ điều này chỉ là mơ tưởng. “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ đối đầu công khai với Nga, vì vậy việc Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống các tàu là phi lý”.
Ukraine có một kế hoạch khác để bảo vệ các tàu di chuyển qua Biển Đen. Nước này đang thành lập một quỹ bảo lãnh trị giá 500 triệu USD để trang trải mọi thiệt hại hoặc chi phí phát sinh. Mykola Gorbachov, Chủ tịch Hiệp hội ngũ cốc Ukraine, cho biết quỹ này sẽ hoạt động “giống như một khoản bảo hiểm nhà nước”. Ví dụ trong trường hợp bị Nga tấn công, nhà nước sẽ lo toàn bộ chi phí.
Phát biểu bên lề một hội nghị của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ vào tuần trước tại Rome, ông Gorbachov đề xuất Ủy ban châu Âu trả quỹ đó và Ukraine sẽ hoàn trả chi phí sau đó.
Trong một tuyên bố liên quan, người phát ngôn của Ủy ban cho biết: “Liên quan đến việc đổi mới Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, ưu tiên của Ủy ban là đảm bảo rằng ngũ cốc Ukraine có thể tiếp cận thị trường thế giới. Tất nhiên Ủy ban sẵn sàng tìm hiểu tất cả các giải pháp đóng góp cho mục tiêu, đồng thời tiếp tục đảm bảo rằng khả năng tiến hành chiến dịch của Nga ở Ukraine bị cản trở nhiều nhất có thể”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Ukraine cũng đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế Biển Đen. Cảng biển gần Ukraine nhất, Constanța, ở nước láng giềng Romania, trở thành một địa điểm thay thế tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ông Cezar Gheorghe của công ty tư vấn thị trường ngũ cốc Romania AGRIColumn, điều này là không khả thi. Ông chỉ ra Constanța có thể xử lý tối đa 25 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu mỗi năm, nhưng nó chỉ có thể thực hiện được với điều kiện hậu cần và thời tiết phù hợp. Nếu Ukraine chuyển hướng xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của mình qua Constanța thì họ phải có khả năng xử lý gấp đôi số lượng vốn có.
Bên cạnh đó, Romania là một trong năm quốc gia châu Âu cấm nhập khẩu một số thực phẩm của Ukraine sau khi tình trạng dư thừa ngũ cốc tích tụ dọc theo các tuyến đường xuất khẩu đường bộ do Ủy ban châu Âu thiết lập qua các quốc gia này vào năm ngoái.
Bộ trưởng Nông nghiệp mới của Cộng hòa Séc Marek Výborný cảnh báo: “Không thể để xảy ra trường hợp ngũ cốc của Ukraine vẫn ở lại châu Âu,” đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
Chính vì vậy, phần thứ hai trong Kế hoạch B của Ukraine là xuất khẩu với khối lượng nhiều lên qua sông Danube bằng cách sử dụng các bến neo đậu.
Theo ông Gorbachov, khoảng 2 triệu tấn thực phẩm được xuất khẩu mỗi tháng bằng tuyến đường này – tăng so với vài trăm nghìn tấn trước xung đột. Giờ con số này có thể tăng gấp đôi lên 4 triệu, nhưng điều đó vẫn phải phụ thuộc vào việc Romania có cho phép Ukraine hoạt động trong lãnh hải của mình hay không.