Theo tờ Politico, các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ tập trung tại Brussels ngày 14/11 trong bối cảnh một số cam kết của khối này nhằm hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và tiền mặt đang gặp khó khăn.
Các nhà ngoại giao ngày càng lo ngại mục tiêu của EU cung cấp 1 triệu viên đạn cho Kiev trong vòng một năm để hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga đang gặp khó khăn, trong khi các cam kết về tiền mặt mới cũng đang bị mắc kẹt trong một cuộc tranh luận chính trị căng thẳng.
Một quan chức cấp cao của EU hôm 11/11 cho biết, 300.000 viên đạn đã được vận chuyển kể từ ngày 9/2 theo chương trình gửi đạn từ kho dự trữ quốc gia tới Ukraine. Nhưng quá trình đó đã không đi đúng hướng, với một triệu viên đạn như cam kết vào đầu năm.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Sẽ rất khó đạt được mục tiêu vào giữa tháng 3/2024”.
Các nhà điều hành trong ngành công nghiệp chỉ ra tình trạng thiếu nhân lực và các vấn đề trong việc tìm nguồn cung cấp đủ chất nổ là một số trở ngại mà các nhà thầu phải đối mặt khi họ tìm cách đẩy mạnh sản xuất đạn dược.
“Mục tiêu chưa chết”, quan chức EU nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm con số trên chỉ là “khoảng giữa” vì hàng nghìn viên đạn nữa sẽ được gửi đi theo một chương trình mua sắm chung khác. Ông nói thêm: “Nói chung đây là một vấn đề với năng lực công nghiệp”.
Ngoài ra, nỗ lực nhằm triển khai gói hỗ trợ mới cho Ukraine trị giá 20 tỷ euro trong 4 năm từ Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu (EPF) của EU cũng đang vướng vào tranh luận. Chưa kể việc Hungary vẫn đang chặn khoản thanh toán 500 triệu euro từ quỹ EPF hiện có do các lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng địa phương của nước này.
Mặc dù nhìn chung EU rõ ràng ủng hộ Ukraine, nhưng các quốc gia thành viên lại bị chia rẽ về cách cung cấp thêm tài chính và liệu sẽ hoàn trả cho các quốc gia thành viên số vũ khí mà họ chuyển giao theo một lần hay theo từng phần hàng năm.
Nói về gói 20 tỷ euro, nhà ngoại giao trên cho biết: “Gần đây chúng tôi chưa nói về con số này”, đồng thời cho biết thêm rằng trước tiên phải đưa ra quyết định về cách thức hoạt động của quỹ trước khi phân bổ kinh phí. “Quỹ này sẽ không đóng cửa vào 14/11”, ông nói.
Trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thận trọng trong việc cam kết tài trợ nhiều hơn trong bối cảnh cuộc tranh luận về cách chi tiêu ngân sách dài hạn của khối đến năm 2027 hiệu quả hơn. Ông Scholz nói về sự hỗ trợ dành cho Ukraine: “Nhiều quốc gia đang cung cấp mức hỗ trợ song phương rất cao - nhiều nhất là Đức và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Đó là điều chúng ta nên tập trung vào lúc này".
Trước đó, vào tháng 10, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thoả thuận gửi cho Ukraine 1 triệu viên đạn trong vòng 12 tháng. Thỏa thuận này đánh dấu một bước ngoặt đối với EU với việc lần đầu tiên đạt được thoả thuận cùng mua vũ khí cho một quốc gia đang trong xung đột.
Kế hoạch này được xúc tiến trong bối cảnh có lo ngại rằng Kiev sắp hết đạn trong cuộc xung đột kéo dài với Nga. Các quan chức Ukraine cho biết họ cần ít nhất 1 triệu quả đạn pháo 155 mm để bổ sung và duy trì hệ thống phòng thủ - một con số vượt xa năng lực sản xuất hàng năm của châu Âu.
Để bù đắp sự thiếu hụt, EU đã soạn thảo một kế hoạch chi tiết gồm nhiều giai đoạn. Đầu tiên, họ sẽ dành 1 tỷ euro cho các quốc gia có thể tài trợ đạn dược ngay lập tức từ kho dự trữ của họ hoặc chuyển hướng các đơn đặt hàng hiện có. Sau đó, họ sẽ dành thêm 1 tỷ euro để cùng mua thêm đạn dược (và có thể cả tên lửa) cho Ukraine và thay thế đạn pháo do châu Âu tài trợ. Cuối cùng, họ muốn khám phá những cách khác để tăng cường khả năng sản xuất vũ khí mà châu Âu cần trong nhiều năm tới.