Hội nghị Trung ương 5 khóa 9 lần này sẽ tập trung thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ 14 (2021-2025) với điểm then chốt là đổi mới công nghệ, tự lực kinh tế và môi trường sạch. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sẽ đề ra các mục tiêu cho 15 năm tới, tại thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đưa ra cam kết về chấn hưng dân tộc thông qua con đường vươn lên thành quốc gia đi đầu về công nghệ và nhiều ngành công nghiệp chiến lược khác của thế giới.
Nếu kinh tế Trung Quốc – vốn đang phục hồi ấn tượng sau đại dịch COVID-19, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng như những năm vừa qua, nước này sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỉ tới.
Theo ông Fred Hu, nhà sáng lập Quỹ đầu tư Primavera Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, tự cường về kinh tế tại Trung Quốc chính là phát triển một số tiềm lực nội địa nhất định thông qua tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo, một bước đi cần thiết để đối phó với những yếu tố bất trắc từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, chuyên gia từng làm việc cho IMF và tập đoàn Goldman Sachs tại Trung Quốc cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ chính sách “mở cửa” để hướng nội hoàn toàn.
Giới chức Trung Quốc gần đây khẳng định những gì tốt đẹp cho nước này đều có lợi cho thế giới. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng thị trường khổng lồ tại đại lục sẽ tạo ra “lực đẩy bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và thế giới”.
Luận điểm này cũng được IMF thừa nhận. Dựa trên những dữ liệu, tính toán mới nhất, Bloomberg cho rằng Trung Quốc sẽ là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới trong những năm tới. Khác với những đối thủ khác, Trung Quốc là nước duy nhất trong số các nền kinh tế lớn được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 sau khi chính quyền nước này rốt ráo kiềm chế đại dịch COVID-19.