Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết: "Đồng tiền chung châu Âu - ra đời ngày 1/1/1999 - phải phản ánh sức nặng chính trị, kinh tế và tài chính của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone)".
EC có ý định tổ chức các cuộc tham vấn với các bên tham gia thị trường, đặc biệt là về nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và các loại hàng hóa khác mà đồng USD đang chi phối áp đảo.
Trong lĩnh vực vận tải hàng không, nơi máy bay được mua bán bằng USD ngay cả khi do hãng Airbus của châu Âu sản xuất, Brussels cũng muốn "khởi động một cuộc tham vấn về cách thức thúc đẩy vai trò của đồng euro".
Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng không hài lòng với sự chế ngự toàn cầu của đồng USD, điều đem đến cho nước Mỹ quyền lực ngoại giao và kinh tế vô song trên trường quốc tế.
Các chính phủ, các ngân hàng và công ty đa quốc gia phó mặc cho chính quyền Mỹ, nước có quyền ngăn cản sự tiếp cận với nền kinh tế thế giới của bất kỳ công ty hay quốc gia nào đối đầu với Washington.
Ví dụ mới nhất về sự lo ngại của EU là Iran, nơi các công ty quốc tế chọn cách tiếp tục giao thương hoặc đầu tư bất chấp các trừng phạt của Mỹ đang đứng trước nguy cơ có thể bị Washington trừng phạt, một phần vì họ sử dụng đồng USD.
Hiện, EU đang thành lập cơ chế đặc biệt (SPV) đổi dầu lấy hàng để thực hiện các giao dịch với Iran trong bối cảnh Mỹ tái khởi động các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước CH Hồi giáo này.