Phán quyết được đưa ra sau khi tháng 10 vừa qua, tổ chức Job Creators Network Foundation đã thay mặt cho 2 cựu sinh viên (từng vay tiền học nhưng không hội đủ điều kiện được xóa nợ) đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang. Trong đơn, họ cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden vi phạm thủ tục liên bang qua việc không cho người vay tiền cơ hội công khai góp ý trước khi đưa ra chương trình này.
Trong một thông cáo, Chủ tịch Job Creators Network Foundation, bà Elaine Parker, nhấn mạnh: “Tòa đã làm đúng khi ra phán quyết tán thành đề nghị của chúng tôi và xem chương trình của ông Biden về xóa nợ tiền học là bất hợp pháp”.
Đến nay, chương trình xóa nợ sinh viên đã tiếp nhận đơn nhưng chưa xóa nợ cho ai vì Tòa Kháng án Mỹ số 8 ở Missouri - nơi đang xét xử một đơn kiện khác do 6 tiểu bang theo đảng Cộng hòa đứng đơn (gồm Nebraska, Missouri, Iowa, Nam Carolina, Kansas và Arkansas) - đã tạm thời chặn chương trình này hôm 21/10.
Trước đó, Tòa án Tối cao đã bác 2 đơn yêu cầu chặn chương trình này, một đơn của nhóm cư dân bang Wisconsin và một đơn của nhóm pháp lý bang Indiana.
Hôm 24/8, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch xóa một phần nợ sinh viên tại Mỹ theo cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ xóa 10.000 USD tiền nợ cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm.
Đối với các cựu sinh viên đã được nhận trợ giúp liên bang theo chương trình trợ cấp Pell (hỗ trợ các sinh viên thuộc gia đình thu nhập thấp), số nợ được xóa sẽ là 20.000 USD. Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính kế hoạch xóa nợ sinh viên sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD.
Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng chương trình này phù hợp với Đạo luật xóa nợ sinh viên (HEROES Act) có từ năm 2003, theo đó Bộ trưởng Giáo dục có quyền xóa nợ tiền học phí khi xảy ra “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng kế hoạch này của Tổng thống Biden là động thái nhằm "gom phiếu" ủng hộ của cử tri dành cho đảng Dân chủ trước bầu cử giữa kỳ 2022.