Kế hoạch đầu tư trên bao gồm việc thực hiện chương trình phi carbon trong các hoạt động và các dự án cấp nước, chuyển đổi kỹ thuật số thông qua việc kết hợp công nghệ thông tin trong các quy trình vận hành.
Tháng Ba năm ngoái, ACP đã công bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030, phù hợp với các cam kết toàn cầu được thiết lập bởi các cơ quan như Liên hợp quốc và Tổ chức Hàng hải Thế giới. Theo đó, hàng loạt các dự án trị giá hàng tỷ USD về sử dụng năng lượng tái tạo, xe điện, chuyển đổi thiết bị nổi sang các nguồn thủy lực và mua lại khoảng 8.000 ha đất trong khu vực để trồng cây xanh sẽ được triển khai.
Biến đổi khí hậu trong thập kỷ qua đã ảnh hưởng tới lưu lượng nước của con kênh. Do vây, ACP đang triển khai một dự án cấp nước trị giá 1,9 tỷ USD đảm bảo cung cấp nước cho người dân và hoạt động của tuyến đường thủy liên đại dương.
Về chuyển đổi kỹ thuật số, Ban quản lý sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD cho các dự án kết hợp công nghệ, thông tin và quản lý dữ liệu để tối đa hóa công suất của kênh đào. Ngoài ra, ước tính 2,4 tỷ USD sẽ được đầu tư vào việc thay thế các thiết bị như tàu lai dắt, hiện đại hóa các cơ sở như nhà máy xử lý nước và các đập chứa nước.
Cho đến năm 2030, ACP lên kế hoạch phân bổ khoảng 2,8 tỷ USD cho các dự án bảo trì thường xuyên, gồm việc nạo vét các luồng hàng hải, bảo trì các thiết bị nổi và cuốn, cũng như hệ thống điện cung cấp năng lượng.
Trong 10 năm tới, mục tiêu của kênh đào là đóng góp trực tiếp cho ngân sách quốc gia khoảng 21,5 tỷ USD.
Kênh đào Panama, được Mỹ xây dựng từ năm 1903-1914 và chuyển giao cho Panama vào ngày 31/12/1999, kết nối hơn 140 tuyến đường biển và 1.700 cảng tại 160 quốc gia Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Theo thống kê của ACP, trong vòng 20 năm qua, kênh đào Panama đã đóng góp cho ngân khố quốc gia 18,642 tỷ USD.