Báo cáo của USGS cho biết vụ nổ ở miệng núi lửa Kilauea có cường độ mạnh tương đương một trận động đất 5,3 độ Richter. Các nhà địa chất học cho rằng những vụ nổ này có thể phần nào do lượng dung nham từ khe nứt dài tới 40km ở phía Đông núi lửa này chảy vào Thái Bình Dương quá nhiều và quá nhanh chóng.
Những cơn rung chấn và phun trào dung nham kéo dài suốt 11 tuần qua đã khiến khoảng 712 ngôi nhà bị phá hủy, song may mắn không gây thiệt hại về người. Gần đây nhất, ngày 17/7, một quả "bom nham thạch" bắn ra từ núi lửa này đã rơi trúng một tàu du lịch, làm 23 người bị thương.
Hàng nghìn cư dân trên đảo đã được sơ tán khi dung nham bao phủ diện tích rộng 32 km2 gồm đất nông nghiệp, rừng và các khu nhà. Ước tính, diện tích Đảo Lớn đã được nới thêm khoảng 283 hécta khi dòng dung nham chảy ra biển. Hồi tuần trước nham thạch thậm chí đã tạo thành một hòn đảo nhỏ ở khu vực này.
Vị trí dung nham hiện cách Công viên Isaac Hale thuộc cộng đồng Pohoiki khoảng 400 mét. Trước đó, người dân địa phương đã tìm cách tới đây bằng thuyền, vì cho rằng đây có thể là lần cuối cùng họ nhìn thấy công viên này, trước khi nó bị dung nham phá hủy.