Tại Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver, các luật sư bảo vệ bà Mạnh đã biện hộ rằng hành vi phạm tội mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh – nói dối các tổ chức tài chính để “lách” lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran – là không vi phạm pháp luật tại Canada, vì Canada đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran từ nhiều năm trước. Trong khi đó, các công tố viên của Canada bảo vệ đề nghị dẫn độ của Mỹ, với lý lẽ cáo buộc "lừa gạt ngân hàng"- một hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ, mới là lý do mấu chốt của việc bắt giữ bà Mạnh. Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa dối HSBC Holdings Plc về hoạt động kinh doanh của Huawei Technologies Co Ltd tại Iran.
Thẩm phán Tòa án Tối cao British Columbia, bà Heather Holmes tuyên bố sẽ đưa ra phán quyết (về việc liệu hành vi của bà Mạnh theo cáo buộc của Mỹ có vi phạm luật pháp tại Canada hay không) vào một ngày khác. Các luật sư dự kiến phán quyết bằng văn bản sẽ được công bố trước ngày 27/4/2020 – thời điểm bà Mạnh sẽ đưa ra bằng chứng cho rằng việc bắt giữ bà hồi tháng 12/2018 tại sân bay Vancouver đã được thực hiện không đúng.
Giai đoạn II của phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh sẽ được mở vào tháng 6/2020. Tại phiên tòa này, phía bà Mạnh sẽ tranh luận về việc các quyền của bà liệu có bị vi phạm khi bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018 hay không.
Vụ việc liên quan đến CFO của Huawei được cho là một phép thử đối với chính phủ mới của Canada trong việc định hình lại mối quan hệ với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa đã xuống cấp nghiêm trọng sau khi Ottawa theo đề nghị của Mỹ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu. Hiện Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, với giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt gần 76 tỷ USD mỗi năm.