Số tiền trên đã được Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) và Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) đề xuất trong tháng 3. Nhưng các NGO cho biết các khoản tài trợ cam kết từ đầu năm đến nay chỉ là một phần rất nhỏ của những gì cần có để ngăn chặn tình trạng thiếu an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn ở các "điểm nóng" trên thế giới.
Bức thư có chữ ký của đại diện các NGO đang nỗ lực hỗ trợ cho khoảng 270 triệu người "đang phải đối mặt với cái đói trên khắp thế giới", như Oxfam, Christian Aid, World Vision, Tearfund, Save the Children và Care International.
Thư nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi các bạn cung cấp thêm 5,5 tỷ USD đang rất cần để hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho trên 34 triệu người trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị đói".
Trong thư, các NGO cho biết: "Tại các nước Yemen, Afghanistan, Ethiopia, Nam Sudan, Burkina Faso, CHDC Congo, Honduras, Venezuela, Nigeria, Haiti, CH Trung Phi, Uganda, Zimbabwe, Sudan và nhiều nơi khác nữa, chúng tôi đang giúp mọi người làm tất cả những gì có thể chỉ đơn giản để sống được thêm một ngày".
Thư nhấn mạnh: "Không có chỗ cho đói kém trong thế kỷ XXI. Lịch sử sẽ đánh giá tất cả chúng ta bằng hành động của chính chúng ta ngày hôm nay".
Tháng trước, WFP và FAO đã kêu gọi các nước, các tổ chức hợp sức trong cuộc chiến chống nạn đói với các biện pháp như hỗ trợ lương thực và tiền mặt. Theo các NGO, trong năm 2019, số người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng đã lên tới 135 triệu người tại 58 quốc gia. Nguyên nhân là do xung đột vũ trang, thiên tai và khủng hoảng kinh tế. Con số này đã tăng mạnh do tác động của đại dịch COVID-19.