Khi còn nhỏ, nhiều cư dân Nhật Bản như cô Naomi luôn mong muốn được ăn món truyền thống trong lễ Giáng sinh của gia đình mình: một bữa tiệc lớn với đầy đủ salad, bánh và gà rán thương hiệu KFC.
“Ở Nhật Bản, mọi người thường ăn gà vào dịp Giáng sinh. Mọi năm, tôi đều đặt một suất KFC lớn và thưởng thức cùng gia đình. Tôi thích những miếng gà ngon và những chiếc đĩa được tặng kèm vô cùng đáng yêu”, cô Naomi, 30 tuổi sống tại Hokkaido (Nhật Bản) chia sẻ.
Kể từ giữa những năm 1980, áp-phích quảng cáo mang hình nhà sáng lập KFC Harland Sanders mặc trang phục ông già Noel đã thu hút nhiều người dân địa phương và khách du lịch trên khắp đất nước tới những nhà hàng KFC ở Nhật.
Theo số liệu được công bố bởi chuỗi đồ ăn nhanh Mỹ, KFC Nhật Bản đã thu về 6,9 tỷ Yên (khoảng 63 triệu USD) chỉ trong 5 ngày từ 20/12 đến 25/12 trong năm 2018, đợt cao điểm sẽ bắt đầu từ ngày 23/12. Thời điểm bận rộn nhất thường là ngày 24/12, với doanh số bán hàng thường gấp 5 đến 10 lần so với ngày thường.
“Gần đến dịp Giáng sinh, KFC sẽ phát nhiều quảng cáo vô cùng hấp dẫn trên tivi. Chúng tôi thường phải đặt hàng sớm sau đó đến cửa hàng vào thời gian được chỉ định để lấy đồ ăn của mình. Những người không đặt trước sẽ phải xếp hàng chờ rất lâu, thậm chí đến vài giờ”, cô Naomi cho biết.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nền kinh tế Nhật Bản vươn lên phát triển vượt bậc. “Sức mạnh kinh tế Nhật bản khi đó tăng chóng mặt và người dân bắt đầu có nhiều tiền để hưởng thụ văn hóa tiêu dùng. Thời điểm đó, văn hóa Mỹ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quốc gia này trong các lĩnh vực như thời trang, ẩm phẩm và những chuyến du lịch nước ngoài. Nhật Bản đã thực sự mở cửa”, ông Ted Bestor, Giáo sư tại Đại học Harvard, người nghiên cứu về ẩm thức và văn hóa Nhật Bản trong suốt 50 năm, cho biết.
Khi sống ở trung tâm Tokyo vào đầu những năm 1970, ông Bestor nhớ lại đã thấy nhiều thương hiệu nước ngoài xuất hiện như Baskin Robbins, Mister Donut và The Original Pancake House.
Trong giai đoạn toàn cầu hóa phát nhanh chóng, ngành công nghiệp thức ăn nhanh của Nhật Bản đã mở rộng quy mô lên tới 600% từ năm 1970-1980. Nhà hàng gà rán KFC đầu tiên tại Nhật mở cửa tại Nagoya năm 1970. Đến năm 1981, chuỗi cửa hàng đã mở rộng lên 324 cửa hàng, mỗi năm tăng thêm 30 cửa hàng và thu được khoảng 200 triệu USD mỗi năm.
Giáng sinh được coi là một ngày lễ quan trọng ở Nhật Bản mặc dù quốc gia này chỉ có 1% dân số theo đạo Thiên Chúa giáo. Năm 1970, nhiều người Nhật chưa có thói quen tổ chức Giáng sinh trong gia đình. Khi đó, KFC chỉ mới vừa ra mắt tại thị trường nước này. Công ty ngay lập tức tung chiến dịch quảng bá “KFC cho Giáng sinh” vào năm 1974. Một số báo cáo cho biết Giám đốc điều hành KFC đầu tiên của Nhật Bản Takeshi Okawara đã cố tình nói với khách hàng của mình rằng gà rán KFC là món ăn truyền thống trong dịp Giáng sinh ở Mỹ nhằm tăng doanh thu bán hàng.
Tuy nhiên, công ty KFC Nhật Bản cho biết lúc đó ông Okawara đã hóa trang thành ông già Noel tới dự tiệc Giáng sinh để thu hút trẻ em và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Hãng thức ăn nhanh đã nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu của khách hàng Nhật Bản và tạo nên một hiệu ứng mang tầm quốc gia.
Tất nhiên, “gà rán cho ngày lễ Giáng sinh” sẽ không gây được sự chú ý nếu như không được đầu tư quảng cáo mạnh mẽ. Những quảng cáo được KFC Nhật Bản tung ra một cách trang nhã, chân thực như một kiểu ăn mừng lễ hội theo kiểu “đậm chất Mỹ” ngay cả khi điều này hoàn toàn không đúng trên thực tế.
Một quảng cáo KFC cho ngày Giáng sinh từ những năm 1970 mô tả một gia đình đang thưởng thức một bữa tiệc gà rán vàng ròn với bài hát “My Old Kentucky Home”.
“Những quảng cáo trong dịp lễ này khiến tôi muốn ăn gà rán KFC trong Giáng sinh. Tôi tới từ vùng nông thôn, nơi không có nhiều nhà hàng KFC xung quanh, nên tôi có thể coi gà rán KFC là điều tuyệt vời”, cô Shuho Inazumi sống tại vùng Iwakuni (đảo Honshu, Nhật Bản) nói.
Giáo sư Bestor nhận định gà rán KFC rất giống với một món ăn truyền thống tại Nhật Bản gọi là Karaage. Đó là những miếng thịt gà hoặc cá nhỏ được tẩm bột chiên giòn. Ngoài ra, mọi người có thói quen chia sẻ với nhau những suất ăn lớn có gà rán, salad và bánh cũng khá phù hợp với văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
“Về mặt hương vị, gà rán KFC không có gì nổi bật, nó cũng không có hương vị mới hay thứ gì đó khác lạ khiến mọi người phải làm quen. Ngoài ra, việc chia sẻ đồ ăn là một ứng xử xã hội quan trọng ở Nhật Bản. Cho nên một đĩa gà rán vừa có hương vị quen thuộc lại vừa có thể đáp ứng được nhu cầu muốn tụ tập ăn uống cùng nhau của mọi người”, ông Bestor nói.
“Tôi hiện chưa có con. Nhưng đây là truyền thống gia đình tôi, và tôi hy vọng truyền thống này sẽ còn được tiếp tục trong tương lai”, cô Naomi nói và cho biết việc ăn gà rán KFC trong ngày Giáng sinh là một truyền thống sẽ không dễ từ bỏ.