Hãng thông tấn Nga Tass trích lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo ngày 16/7 đưa tin: “Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Việc họ lên kế hoạch thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí là một sự kiện rất tốt”.
Nhà ngoại giao nhấn mạnh Nga và Mỹ cần tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân theo cách có thể kiểm chứng và không thể thay đổi. "Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc giải trừ hạt nhân. Tôi tin rằng bằng cách này, Nga và Mỹ có thể gửi tín hiệu lạc quan đến thế giới", người phát ngôn Cảnh Sảng nói thêm.
Ông Cảnh Sảng nói: “Về sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán, chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm. Hiện tại, chúng tôi không thấy cơ sở hay điều kiện tiên quyết nào để Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán như vậy. Phía Nga đã được thông báo về lập trường của Trung Quốc về đàm phán hạt nhân ba bên”.
Trước đó, hãng thông tấn Reuters trích lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington lên kế hoạch thảo luận về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới có thể bao gồm cả phái đoàn Trung Quốc khi tham vấn cùng Nga trong hai ngày 17-18/7.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác, Trung Quốc không phải là một bên tham gia đàm phán thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, cũng như chưa rõ liệu Bắc Kinh có sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán như vậy hay không.
Hôm nay, phái đoàn Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Geneva, Thụy Sĩ. Phía Mỹ nhấn mạnh Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) sẽ không nằm trong chương trình nghị sự, cũng như họ không mong chờ bất kỳ đột phá nào liên quan đến Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán là Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan, trong khi người đứng đầu phía Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov.
Những phát biểu trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như có khả năng dập tắt mục tiêu của Washington hướng tới của một hiệp định kiểm soát hạt nhân, trong đó gồm cả Bắc Kinh.
Tháng 12 năm ngoái, trong một dòng trạng thái Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông chắc chắn sẽ thảo luận về việc kiểm soát vũ khí với những người đồng cấp Nga và Trung Quốc “một lúc nào đó trong tương lai”.
Đến tháng 5 năm nay, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố Bắc Kinh “rất muốn trở thành một phần trong thỏa thuận ba bên với Mỹ và Nga”, thậm chí còn khẳng định Trung Quốc hào hứng về điều đó hơn thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, chứng kiến việc Mỹ lần lượt đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế về hạt nhân và vũ khí, Trung Quốc sẽ nhận ra bài học và không đồng ý tham gia đàm phán, cũng như ký bất kỳ thỏa thuận nào.
Trả lời phỏng vấn hãng RT, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Jim Jatras dự đoán Trung Quốc sẽ không đồng ý tham gia đàm phán, đặc biệt là khi thấy Washington liên tiếp xé bỏ các thỏa thuận trong quá khứ, như thỏa thuận hạt nhân với Iran hay INF. “Mỹ không có khả năng thỏa thuận. Đơn giản là Mỹ không trân trọng bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết”, nhà ngoại giao kết luận.