Cách ly xã hội là gì
Đài BBC (Anh) cho biết biện pháp này bao gồm: làm việc từ nhà nếu có thể, di chuyển ra ngoài chỉ khi cần thiết, tránh sử dụng phương tiện công cộng hoặc ra nước ngoài, tránh những nơi tập trung đông người như rạp chiếu phim và câu lạc bộ, hạn chế tụ tập đông người, khi phải ra ngoài cần duy trì khoảng cách an toàn với người khác – khoảng 2m.
Cách ly xã hội chủ trương hướng tới giảm số lượng người tương tác nhưng cũng tạo điều kiện để họ thực hiện các hoạt động cần thiết thường ngày.
Biện pháp này đặc biệt quan trọng đối với những cá nhân có rủi ro cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền và hệ thống miễn dịch yếu, thai phụ…
Giáo sư William Schaffner tại Trường Y Đại học Vanderbilt gợi ý, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khi cần tới siêu thị mua sắm, bạn nên lựa chọn thời điểm vào sáng sớm hoặc tối muộn. Đảm bảo rửa sạch rau quả sau khi mua và rửa tay trước khi ăn.
Việc gọi đồ ăn về nhà là biện pháp hỗ trợ các nhà hàng và người vận chuyển ở thời điểm họ gặp khó khăn trong kinh doanh vì dịch bệnh. Chuyên gia Celine Gounder tại trung tâm bệnh viện Bellevue (Mỹ) gợi ý bạn có thể đề nghị người giao đồ để thức ăn ở bên ngoài cửa nhà để giữ tiêu chí an toàn tránh tiếp xúc gần.
Dưới đây là video đường phố Los Angeles kể từ khi Thống đốc California Gavin Newsom tuyên bố lệnh cách ly trên toàn bang từ 20/3 (Nguồn: The Washington Post)
Tự cách ly khác biệt như thế nào
Những cá nhân có triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 cần tự cách ly để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Tự cách ly bao gồm: Không đi làm hoặc đến trường học, không rời khỏi nhà, không ngủ cùng giường với người khác, không dùng chung vật dụng như khăn tắm và đồ gia dụng…
Cách ly xã hội thường diễn ra trong thời gian dài nhưng tự cách ly lại có giới hạn nhất định. Ví dụ, tại Anh có đề xuất người có triệu chứng mắc bệnh COVID-19 nên tự cách ly tối thiểu trong 7 ngày. Người thân và có tiếp xúc gần với cá nhân có triệu chứng cần tự cách ly trong ít nhất 14 ngày.