Khắc phục hậu quả động đất ở Nhật Bản: Bước tiến "chậm nhưng chắc"

Ngày 21/3, công tác khắc phục hậu quả thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, đặc biệt là sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, vẫn đang được tiến hành khẩn trương và đạt được những tiến bộ "chậm nhưng chắc", như nhận định của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan.

Tiếp tục khắc phục sự cố hạt nhân

Theo tin của Tân Hoa Xã, ngày 21/3, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và nhân viên cứu hỏa tiếp tục phun nước vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 để làm mát các lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu. Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) cho biết, tính từ 17/3, khoảng 3.700 tấn nước đã được dội lên lò phản ứng số 3. Trong khi đó, đường điện đã được nối thành công tới tất cả các lò phản ứng, giúp TEPCO khôi phục các hệ thống theo dõi phóng xạ và các dữ liệu, chiếu sáng phòng điều khiển, làm mát các lò phản ứng và các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Khói trắng bốc lên từ lò phản ứng số 3 của Nhà máy Fukushima 1 trong ngày 21/3.


Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trước đó cũng nhận định, nỗ lực ổn định nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Nhật Bản "có những diễn biến tích cực". Các lò phản ứng số 5 và 6 đã ở trong tình trạng an toàn, mức độ phóng xạ ở các thành phố không thay đổi nhiều và vẫn ở dưới ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Song, IAEA vẫn đánh giá tình hình chung ở Fukushima 1 là nghiêm trọng và đang cử thêm chuyên gia tới Nhật Bản để giám sát sự cố.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steven Chu nhận định với hãng tin CNN rằng giai đoạn tồi tệ nhất của sự cố hạt nhân tại Nhật Bản có thể đã qua. Giáo sư Murray Jennex thuộc trường Đại học San Diego (Mỹ) cũng cho rằng ít nhất, tại thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang kiểm soát được tình hình và mọi việc không diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.

Trong khi đó, các công nhân làm việc tại Fukushima 1 một lần nữa phải sơ tán tạm thời sau khi có khói bốc lên từ lò phản ứng số 3. Theo TEPCO, khói bốc lên lúc 13 giờ 55 ngày 21/3 (giờ Việt Nam) tại bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng. Vài giờ sau, tiếp tục có khói bốc lên ở lò phản ứng số 2. Tuy nhiên, hiện tượng này đã chấm dứt khoảng hai giờ sau đó.

Thiệt hại lên tới 235 tỷ USD

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/3 đã công bố báo cáo liên quan tới tác động của trận động đất và sóng thần vừa xảy ra ở Nhật Bản, trong đó đánh giá mức độ thiệt hại mà Nhật Bản phải gánh chịu vào khoảng từ 122 tỷ đến 235 tỷ USD, tương đương từ 2,5 đến 4% GDP của Nhật Bản.

WB cũng nhận định, công tác tái thiết có thể mất tới 5 năm, tăng trưởng GDP thực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến giữa năm 2011 và có thể tăng trong các quý tiếp theo nhờ nỗ lực tái thiết. Về ảnh hưởng đối với khu vực Đông Á, WB cho rằng chưa thể đánh giá được thiệt hại của khu vực nhưng chắc chắn trong ngắn hạn, lĩnh vực thương mại và tài chính sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhà tỷ phú Warren Buffett lại nhìn nhận thảm họa của Nhật Bản dưới một góc độ lạc quan hơn. Ông cho rằng thảm họa to lớn này sẽ không cản trở tương lai nền kinh tế Nhật Bản và có thể tạo ra một làn sóng mua chứng khoán mới. Khi chỉ số Nikkei mất khoảng 10% trong tuần sau thảm họa, ông Buffett vẫn cho rằng không nên bán chứng khoán Nhật Bản với lý do thị trường nước này sẽ phục hồi tương đối nhanh.

Về thiệt hại con người, tính đến nay, 8.649 người đã nằm trong danh sách thiệt mạng, 13.626 người còn mất tích. Công tác cứu trợ cho người sống sót không thuận lợi khi trời mưa xối xả, đặc biệt là ở tỉnh Miyagi, khiến máy bay phân phát hàng cứu trợ không thể cất cánh. Theo ông Kiyohiro Tokairin, một quan chức tỉnh Miyagi, nhân viên cứu trợ đã tạm thời phải chuyển sang đưa hàng cứu trợ đến những nơi có thể di chuyển bằng đường bộ mà không cần trực thăng.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN