Đó là thông điệp được đưa ra tại lễ khai mạc diễn đàn chính trị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững diễn ra ngày 9/7.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, trong bài phát biểu khai mạc Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội ông Lưu Chấn Dân nhấn mạnh các quốc gia chỉ còn 12 năm để thực thi toàn bộ chương trình nghị sự phát triển bền vững. Những mục tiêu hoàn toàn nằm trong tầm với, song đòi hỏi phải có sự quan tâm liên tục, sự tập trung cao độ vào việc thực thi các mục tiêu và ý thực sự cấp bách thực sự.
Phó Tổng thư ký cho biết đã 3 năm trôi qua kể từ khi 193 quốc gia thành viên thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững, nhiều người dân đã thực sự có cuộc sống tốt hơn so với 1 thập niên trước, mặc dù các khu vực đang phải đương đầu với những thách thức phát triển lớn chưa từng có. Tỷ lệ người lao động và gia đình của họ sống dưới mức bần cùng đã giảm đáng kể, từ 27% hồi năm 2000 xuống còn 9% trong năm 2017. Tuy nhiên, hạn hán và thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, và các cuộc xung đột leo thang tại một số nơi trên thế giới đang làm giảm tốc độ xóa đói giảm nghèo.
Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển Bền vững (HLPF), kéo dài từ ngày 9 - 18/7, quy tụ hơn 1.000 nhà lãnh đạo các chính phủ, công ty và xã hội dân sự. Các đại biểu sẽ thảo luận về những tiến triển mà hàng chục quốc gia đã đạt được trong tiến trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), và qua đó xác định những việc đã làm được và chưa làm được dựa trên báo cáo tiến độ hàng năm của Tổng Thư ký LHQ.
Cũng tại diễn đàn, 47 quốc gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm, trong đó có cả thành công, thách thức và bài học rút ra. Theo kế hoạch, ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Nguyễn Thế Phương sẽ trình bày trước diễn đàn báo cáo về tiến độ Việt Nam triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Marie Chatardová, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC), bày tỏ kỳ vọng rằng tuyên bố chung kết thúc diễn đàn sẽ phát đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ về quyết tâm của cộng đồng quốc tế hiện thực hóa chương trình nghị sự 2030.