Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj phát biểu tại cuộc Đối thoại. |
Đối thoại lần này có chủ đề “Kết nối châu Á” do Bộ Ngoại giao Ấn Độ phối hợp với Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) tổ chức với sự tham gia của hơn 400 đại biểu đến từ 40 nước và tổ chức, trong đó đáng chú ý là sự tham dự của cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, cựu Tổng thống Sri Lanka Chandrika Bandaranaike Kumaratunga, cựu Tổng thống Seychelles James Mancham và Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã tham dự buổi lễ khai mạc trên.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Sushma Swaraj nhấn mạnh cuộc đối thoại sẽ tạo ra nền tảng quốc tế ở Ấn Độ để các nhà hoạch định chính sách và các nhà tư tưởng chiến lược thảo luận kỹ các vấn đề quan trọng hiện nay, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại sẽ trở thành một sự kiện quan trọng trong năm của các nhà ngoại giao và phân tích. Bà Swaraj khẳng định vấn đề kết nối đã trở thành trung tâm của tiến trình toàn cầu hóa, đặc biệt quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của châu Á.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Ấn Độ cho rằng việc các nước sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các vụ tranh chấp lãnh thổ là một vấn đề quan ngại và việc can ngăn cũng như hoạt động ngoại giao là một phần giải pháp cho vấn đề này. Bà Swaraj cho hay các đại dương bao quanh Ấn Độ và nền kinh tế "xanh" có liên quan tới an ninh, thịnh vượng và Ấn Độ cam kết về khoảng không gian biển an toàn, an ninh, ổn định, cùng chia sẻ, tập trung vào việc xây dựng năng lực song phương cũng như tăng cường các cơ chế khu vực để thực hiện cam kết này. Bà nhận định việc góp phần tạo ra bầu không khí tin tưởng và minh bạch, đảm bảo tôn trọng các quy định và chuẩn mực hàng hải quốc tế, giải quyết những tranh chấp trên biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực sẽ là những khía cạnh để thúc đẩy kết nối.
Đoàn chủ tọa cuộc Đối thoại Raisina. |
Bà Swaraj khẳng định kết nối không chỉ có tầm quan trọng đối với các tham vọng phát triển của Ấn Độ mà còn là khía cạnh quan trọng và không thể tách rời trong tầm nhìn hợp tác quốc tế, đồng thời tin tưởng việc tạo ra một môi trường tin cậy là điều kiện tiên quyết cho một thế giới kết nối với nhau hơn.
Cũng tại cuộc đối thoại, cựu Tổng thống Karzai thừa nhận khủng bố đang lan tràn ở khu vực Nam Á, đe dọa đến sự ổn định của khu vực, đồng thời khẳng định “không được dung tha cho những thực thể nhà nước ủng hộ, chứa chấp và cung cấp tài chính cho các mạng lưới khủng bố”. Ông Karzai nêu rõ việc sử dụng vũ lực và chủ nghĩa cực đoan để giành lợi ích địa chính trị sẽ không bao giờ thành công. Bên cạnh đó, ông còn bày tỏ Afghanistan muốn trở thành cầu nối giữa khu vực Nam Á, Trung Á, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong bài phát biểu của mình, cựu Tổng thống Kumaratunga cho rằng khu vực Nam Á ngày nay là một trong hai khu vực bạo lực nhất trên thế giới và việc hợp tác là vô cùng cần thiết để đảm bảo an ninh khu vực. Bà nhận định Ấn Độ là nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới và nước này sẽ hưởng lợi nhiều từ việc hội nhập kinh tế khu vực.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ali tuyên bố khủng bố và thiếu ý chí chính trị đã cản trở kết nối khu vực và làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Cuộc đối thoại Raisina diễn ra từ ngày 1-3/3 trên được xem là cuộc hội thảo hàng đầu của Ấn Độ về địa chính trị và địa kinh tế nhằm tìm kiếm những khía cạnh và cơ hội cho sự hội nhập ở châu Á cũng như sự hội nhập của châu Á với toàn thế giới. Cuộc đối thoại cũng dự báo vai trò quan trọng của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương và việc Ấn Độ làm thế nào để cùng với các đối tác xây dựng một trật tự khu vực và thế giới ổn định, thịnh vượng. Cuộc đối thoại Raisina 2016 tập trung vào kết nối tự nhiên, kinh tế, con người, kết nối số của châu Á, nỗ lực tìm kiếm những cơ hội và phát hiện những thách thức cho khu vực để quản lý được không gian chung của mình, cũng như các mối quan hệ đối tác toàn cầu cần có để xây dựng những "con đường chung" trong thế kỷ này.