Tại hội nghị kéo dài trong 2 ngày này, các nền kinh tế thành viên sẽ thảo luận về các vấn đề cơ bản của nền kinh tế toàn cầu như cấu trúc tài chính quốc tế, hệ thống thuế và các qui tắc tài chính. Hội nghị cũng sẽ đề cập tới những thách thức của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh “bóng ma” về một cuộc chiến tranh thương mại vẫn không ngừng đe dọa với sự trỗi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là sau khi Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu cao đối với các mặt hàng thép và nhôm gây phản ứng dữ dội từ nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, vấn đề tiền ảo cũng được các quan chức tài chính quan tâm, cả trong khía cạnh sức mạnh của loại tiền này để thúc đẩy sự “can dự tài chính”, cũng như khả năng sử dụng đồng tiền này như một phương tiện để trốn thuế và tài trợ cho các hoạt động phi pháp, rửa tiền…
Phát biểu trước thềm hội nghị, Giám đốc IMF Lagarde nhận định về cơ bản triển vọng kinh tế thế giới là tích cực và bây giờ là thời điểm phù hợp để tiến hành những cải cách cần thiết. Theo bà Lagarde, kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 3,9% trong năm nay, tăng nhẹ so với mức 3,7% của năm 2017.
Trong khi đó, nước chủ nhà Argentina cũng đề xuất đưa vào chương trình nghị sự một vấn đề hết sức quan trọng là tương lai của việc làm bởi công nghệ mới đang thay đổi cấu trúc việc làm truyền thống. Các nền kinh tế G-20 có cơ hội để tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nếu tận dụng được xu hướng này. Ngoài ra, Argentina cũng cho rằng cần phải xem xét về khả năng cho đầu tư tư nhân tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển và để đạt được điều này thì các nước cần phải đưa ra được những bảo đảm về pháp lý và sự ổn định để có thể thu hút được nguồn vốn tư nhân trong dài hạn.
Với tư cách là Chủ tịch luân phiên, Argentina sẽ tổ chức một loạt các hội nghị liên quan của G-20 trong năm nay và kết thúc bằng Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm vào cuối tháng 11 tới.