Ngày 19/5, tại Singapore đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng của 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị này do ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, dẫn đầu.
Trước Hội nghị Bộ trưởng, trưởng đoàn đàm phán và các chuyên gia cấp cao của 12 nước tham gia đàm phán TPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã họp tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 12-15/5. Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề còn tồn tại liên quan tới các lĩnh vực tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, môi trường, doanh nghiệp nhà nước và dịch vụ tài chính.
Các vấn đề trên sẽ tiếp tục được thảo luận tại các phiên họp đa phương và song phương được tổ chức trong hai ngày của Hội nghị Bộ trưởng lần này.
Các trưởng đoàn nhóm họp sáng 19/5 tại khách sạn Intercontinental, Singapore. Ảnh: Lê Hải/TTXVN |
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản trích lời Quốc vụ khanh phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản Akira Amari nói với báo giới nước nhà vào cuối tuần trước rằng tại Singapore, các nước sẽ “bắt đầu đánh giá những tiến bộ trong quá trình đàm phán vừa qua và xem xét cẩn trọng các vấn đề còn tồn tại”.
Trong khi đó, nguồn tin từ đại biểu tham gia phiên họp của các trưởng đoàn đàm phán tại Việt Nam cho biết tại Singapore, các bộ trưởng khó có thể đưa ra thông báo về một thỏa thuận, có chăng là thông báo về “hướng đi nào đó” để thúc đẩy các cuộc đàm phán.
Trước Hội nghị Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, ông K. Shanmugam trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 12-16/5 và người đồng cấp Mỹ, ông John Kerry đã đạt được đồng thuận rằng việc sớm kết thúc các phiên đàm phán về TPP là rất quan trọng.
Nhiều quan sát viên thương mại nhận định, mặc dù các nước tham gia đàm phán
TPP đều mong muốn sớm kết thúc các phiên đàm phán, nhưng hội nghị bộ trưởng lần này chỉ là cơ hội để 10 nước đánh giá những trở ngại đối với quá trình đàm phán xuất phát từ những bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất trong 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP. Nhật Bản muốn duy trì thuế nhập khẩu đối với một số hàng nông sản như thịt bò, thịt lợn, gạo, lúa mỳ và các sản phẩm sữa. Trong khi đó, Mỹ thúc giục Nhật Bản rỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đối với ngành công nghiệp ô tô để các nhà sản xuất Mỹ có thể tiếp cận tốt hơn thị trường Nhật Bản.
Kim Yến (P/v TTXVN tại Singapore)