Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO

Ngày 11/7, lãnh đạo 29 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng các đối tác đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh tại trụ sở mới của tổ chức ở Brussels (Bỉ).

Lãnh đạo các nước thành viên NATO chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà lãnh đạo sẽ cùng bàn thảo để đưa ra quyết định về việc tăng cường khả năng răn đe và tiềm lực quốc phòng của NATO, đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố và yêu cầu về chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng cân bằng hơn.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong ngày làm việc đầu tiên, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào các nội dung tăng chi tiêu và chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các thành viên.

Năm 2014, NATO đã thống nhất ngừng cắt giảm chi tiêu, bắt đầu tăng và đặt chỉ tiêu dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong một thập kỷ. Kể từ thời điểm đó, các đồng minh đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố so với chỉ 3 nước vào năm 2014, tới năm nay đã có 8 đồng minh đạt mức đóng góp ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Ngoài ra, các nước đồng minh đã đầu tư hàng tỷ USD mua sắm trang thiết bị mới, tăng cường đóng góp vào các chiến dịch và nhiệm vụ quân sự chung. Cụ thể, các đồng minh châu Âu và Canada sẽ bổ sung 266 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng từ nay đến năm 2024.

Theo thống kê của NATO, Mỹ đảm nhiệm khoảng 70% chi tiêu quốc phòng của khối trong năm 2018, tức khoảng 706 tỷ USD trên tổng số gần 1.000 tỷ USD của toàn bộ 29 thành viên. Anh là nước thành viên chi tiêu cho quốc phòng nhiều thứ hai trong khối với 62 tỷ USD trong năm 2018, tiếp theo là Pháp với 52 tỷ USD và Đức 51 tỷ USD.

Các lãnh đạo cũng sẽ quyết định tăng cường vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố. Cùng với đó, NATO cũng cần ấn định việc khởi động một chương trình đào tạo mới tại Iraq với hàng trăm chuyên gia huấn luyện của khối. Các đồng minh cũng sẽ phải thống nhất về chủ trương tăng cường ủng hộ cho các đối tác chính tại Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có Tusinia và Jordan.

Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết trong mục tiêu răn đe, NATO sẽ thông qua kế hoạch “4x30”. Cụ thể, đến năm 2020, NATO có 30 tiểu đoàn trên bộ, 30 phi đội bay chiến đấu và 30 tàu hải quân như tàu khu trục, sẵn sàng triển khai trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được cảnh báo.

Các lãnh đạo cũng sẽ thông qua cấu trúc chỉ huy mới của NATO, bao gồm một cơ sở chỉ huy mới đóng tại Norfolk (Mỹ) và một sở chỉ huy cho việc triển khai nhanh lực lượng tại châu Âu tại Ulm (Đức).

Ngoài ra, các đồng minh sẽ đề cập đến khả năng đáp trả của NATO trước các mối đe dọa hỗn hợp, và thông qua việc thành lập các nhóm hỗ trợ chống các hành vi đe dọa hỗn hợp để giúp các nước đồng minh bị đe dọa.

Các nước đồng minh sẽ có phiên họp với các đối tác như Liên minh châu Âu (EU), Phần Lan, Thụy Điển, Gruzia và Ukraine để đề cập đến các thách thức chính về an ninh của khu vực. Dự kiến, hội nghị sẽ kết thúc bằng một cuộc họp cùng 20 nước đối tác về tình hình Afghanistan vào ngày 12/7.

Hội nghị thượng đỉnh lần này là lần thứ 7 được tổ chức tại Brussels. 54 đoàn đại biểu chính thức tham dự bao gồm 29 nước thành viên, 20 nước đối tác cùng một số tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, EU, Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội đồng Nghị viện NATO.

TTXVN/Báo Tin tức
Điều gì sẽ thay đổi 'viễn cảnh' những bắt tay gượng gạo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO?
Điều gì sẽ thay đổi 'viễn cảnh' những bắt tay gượng gạo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO?

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), diễn ra 11 và 12/7 tại Brussels (Bỉ), được xem như thời khắc then chốt để tổ chức này xác định chiến lược hợp tác nội khối trong tương lai khi mà căng thẳng giữa Mỹ, quốc gia đầu tàu NATO, với các đồng minh cùng khối đang ngày càng làm lung lay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN