Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Kwon Hee-seog cho biết Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn về nhiều vấn đề gồm công nghệ tài chính (fintech), ổn định tài chính, cơ sở hạ tầng tài chính, và tiền kỹ thuật số. Ông Kwon Hee-seog cho biết: “Hơn 30 ngân hàng Hàn Quốc đang hoạt động ở Jakarta và Indonesia sẽ tham gia vào nhiều hoạt động hơn và đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực tài chính”.
Trung tâm cũng sẽ cung cấp nền tảng cho các tổ chức tài chính Hàn Quốc và ASEAN để trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến tài chính. Trung tâm sẽ hợp tác chặt chẽ với các Đại sứ quán Hàn Quốc tại Đông Nam Á. Đại sứ Kwon Hee-seog nhấn mạnh trong năm đầu tiên, trung tâm sẽ thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Jakarta và tiếp đó là tại các nước thành viên ASEAN khác.
Về phần mình, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh bày tỏ hy vọng rằng hợp tác sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và sự phát triển bao trùm của các doanh nghiệp ASEAN và Hàn Quốc. Ngoài tài chính kỹ thuật số và công nghệ tài chính, Phó Tổng thư ký Satvinder cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến các sáng kiến tài chính xanh và bền vững.
Trong vài năm qua, Hàn Quốc đã thúc đẩy các nỗ lực thành lập Trung tâm hợp tác tài chính ASEAN-Hàn Quốc như một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo số liệu năm 2020 của Cơ quan thống kê ASEAN, các công ty tài chính Hàn Quốc đã mở 153 chi nhánh ở các nước thành viên ASEAN, chiếm hơn 33% tổng số chi nhánh được mở trên toàn thế giới. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam và Indonesia có nhiều công ty tài chính Hàn Quốc nhất với 54 và 32 công ty ở mỗi nước tính đến tháng 9/2021.