700 tấn hóa chất độc hại nhất trong kho vũ khí hóa học khổng lồ của Syria sẽ được tiêu hủy trên biển thông qua một chiến dịch quốc tế, với sự tham gia của nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Trung Quốc và Italy. Để tiêu hủy số hóa chất nguy hiểm này, cộng đồng quốc tế sẽ phải trông đợi vào MV Cape Ray, con tàu hậu cần khổng lồ, hiện đang neo đậu tại cảng Portsmouth (bang Virginia, Mỹ). Tàu MV Cape Ray, đang neo đậu tại Portsmouth, Virginia. Ảnh: ABC News |
Thực hiện kế hoạch đã được LHQ và Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) thông qua từ tháng 11/2013, hôm 7/1, chuyến tàu chở lô hóa chất đầu tiên đã rời cảng Latakia, miền đông Syria. Con tàu vận tải của Đan Mạch, chở các container hóa chất, được hộ tống bởi các tàu chiến Trung Quốc, Đan Mạch, Na Uy và Nga, sẽ “tập kết” hàng tới một cảng của Italy, và từ đây, số hóa chất nguy hiểm sẽ được đưa lên tàu Cape Ray.
OPCW đặt mục tiêu tới ngày 31/3 sẽ bắt đầu tiêu hủy số hóa chất nguy hiểm từ kho vũ khí hóa học của Syria, và ngày 30/6 sẽ hoàn tất tiêu hủy.
Lều bạt trắng nơi đặt hai hệ thống thủy phân triển khai tại chỗ (FDHS). Lều được lắp đặt các bộ lọc carbon, đề phòng trường hợp rò rỉ chất thải sau tiêu hủy.
|
Cape Ray là một tàu thuôc hạm đội hậu cần, có nhiệm vụ vận chuyển trang thiết bị quân sự tới các khu vực chiến sự khi cần thiết. Nó đã từng nhiều lần triển khai xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng và nhiều loại xe cộ khác tới Iraq. Tàu cũng thực hiện các sứ mạng phản ứng nhân đạo sau các thiên tai lớn, trong đó có thảm họa động đất ở Haiti, siêu bão Katrina, Rita và Sandy tấn công nước Mỹ.
Với chiều dài 198 mét và 5 tầng, Cape Ray sẽ chở 35 thủy thủ có nhiệm vụ điều khiển tàu, cộng thêm nhóm 64 thủy thủ là các kỹ sư tham gia hoạt động tiêu hủy hóa chất, cùng một số lượng chưa rõ các nhân viên quân sự Mỹ.
Một trong hai hệ thống thủy phân FDHS, được lắp đặt từ năm 2013 phục vụ sứ mạng đặc biệt. |
Cape Ray đã được trang bị hai hệ thống Thủy phân triển khai tại chỗ (FDHS) từ tháng 2/2013 (khi Lầu Năm góc tính toán rằng, con tàu có thể cần đến để tiêu hủy hóa chất trong kho vũ khí Syria). Hai hệ thống thủy phân, có kích thước tương đương một container hàng tiêu chuẩn, được đặt trên boong chính của tàu, trong một lều bạt màu trắng, kích thước 18x11 mét. Mỗi hệ thống này có giá 5 triệu USD.
Trong hàng thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã từng thực hiện tiêu hủy các vũ khí hóa học của mình với quy trình thủy phân tương tự, nhưng họ chưa bao giờ lắp đặt FDHS trên một con tàu, và các vũ khí hóa học cũng chưa từng được tiêu hủy trên biển. Mặc dù vậy, Thứ trưởng quốc phòng phụ trách chuyển giao, công nghệ và hậu cần Frank Kendall khẳng định “đây không phải là một công nghệ mới. Vì thế việc chúng tôi đang làm không phải là công việc rủi ro cao”,
Các công nhân tham gia xử lý hóa chất trên tàu Cape Ray đều phải mặc những bộ quần áo bảo vệ chuyên dụng, với mặt nạ dưỡng khí, vẫn được gọi là “bộ đồ scuba”. Khoảng 700 tấn hóa chất chế tạo vũ khí hóa học của Syria sẽ được đưa lên tàu và được tiêu hủy trong một sứ mạng kéo dài 90 ngày. Trong suốt thời gian này hai hệ thống thủy phân sẽ chạy liên tục. Số hóa chất được chứa ở các tầng trên và dưới của boong chính, nơi đặt hai hệ thống thủy phân.
Những chiếc bồn chứa như thế này sẽ được dùng để chứa hóa chất nguy hiểm và nước (riêng rẽ), sau đó được bơm vào hệ thống FDHS trên boong chính của tàu. |
Hoạt động thủy phân hóa chất sẽ tạo ra 1,5 triệu gallon chất thải nguy hại, không thể sử dụng trong sản xuất vũ khí hóa học, và sẽ được đưa tới một cơ sở xử lý chất thải, mặc dù quá trình này vẫn chưa được vạch rõ.
Nếu xảy ra rò rỉ, chất thải sẽ được chặn lại ở boong chính của tàu, sau đó được đưa qua hệ thống lọc carbon rồi mới thải ra khỏi tàu.
Tàu Cape Ray hiện neo đậu tại một xưởng tàu tư nhân ở Portsmouth, cùng với hai tàu khác của Cục Hàng hải. Theo Thứ trưởng Kendall, nó sẽ được triển khai trong vòng hai tuần tới.
Phan Long