Xin điểm lại một số nghi thức đón năm mới tiêu biểu và đặc sắc tại Mỹ Latinh:
Mexico: Quét nhà xua điều không may mắn
Khi gần tới giao thừa, người Mexico thường quét nhà để xua đi những điều không hay trong năm trước và nếu muốn được du hành trong năm mới, người dân nơi đây thường mang vali ra ngoài đường di dạo một vòng ngay sau giao thừa.
Tại một số vùng đất ở quốc gia có số người nói tiếng Tây Ban Nha đông nhất thế giới này, người dân còn có thói quen đặt một chú cừu non bằng len hoặc vải trước cửa chính, hướng mặt vào trong nhà, với mong ước chú cừu này sẽ mang tiền tài tới cho gia chủ trong năm mới. Cũng giống một số quốc gia Mỹ Latinh khác, nhiều người Mexico còn tự tay làm một hình nộm bằng giẻ hay vải cũ và mang ra đốt vào đêm tất niên như một cách “đốt bỏ” những điều rủi của năm cũ.
Tại Mexico và hầu hết các nước Mỹ Latinh, thói quen ăn nho tươi cầu may vào đêm giao thừa là khá phổ biến. Nhưng khác với nước xuất xứ của thói quen này là Tây Ban Nha – nơi người dân ăn mỗi quả nho sau một tiếng chuông của nhà thờ điểm vào đúng lúc giao thừa, người dân Mexico ăn nho thời điểm ngay sát trước giao thừa, và sau khi ăn một quả nho lại cầu một điều ước. Một nghi thức phổ biến khác là chọn mặc quần áo lót theo mầu của điều mong cầu lớn nhất trong năm, trong đó 2 mầu được lựa chọn nhiều nhất là mầu đỏ - cho tình yêu, và mầu vàng – cho tài lộc.
Guatemala: Đếm mây trên trời
Hầu hết người dân Guatemala có trang sức bằng kim loại quý, thường là vàng và thường sử dụng chúng để đón năm mới với niềm tin rằng điều đó mang lại tài lộc. Vào giữa trưa ngày đầu năm mới, người dân Guatemala thường đếm mây trên trời và cầu nguyện trong yên lặng, để thỉnh cầu rằng đó là lượng tiền mà mình sẽ kiếm được trong năm mới. Thói quen sử dụng vali để thỉnh cầu cũng khá thông dụng, nhưng tại quốc gia Trung Mỹ này, thay vì kéo vali ngoài đường, người dân thường xếp đầy quần áo và đặt chúng sau cửa chính để hy vọng sẽ có những chuyến đi suôn sẻ và gặt hái được những kinh nghiệm quý. Một điểm khác lạ nữa là các ông bố bà mẹ Guatemala thường tránh cho con cái mặc áo mới trong năm mới, mà để dành chúng cho thời điểm năm học mới vì coi đây mới là khởi đầu một chu kỳ mới cần tới sự may mắn cho con trẻ.
El Savaldor: Mặc đồ lót trái
Đất nước mang tên “Đấng Cứu thế” này chia sẻ đa phần những nghi thức đón năm mới của các nước láng giềng, đặc biệt là Guatemala và Nicaragua, nhưng có một điểm khác biệt là người dân nơi đây thường mặc trái đồ lót và sau đó lộn lại mặt phải sau lúc giao thừa, với niềm tin rằng điều đó sẽ mang lại nhiều quần áo mới hay thậm chí là tài sản quý trong năm mới. Không ít người dân El Salvador còn đập một quả trứng vào cốc nước rồi để ra ngoài trời cả đêm giao thừa, và dựa vào hình dáng của lòng trứng trong cốc nước sáng hôm sau để dự đoán vận may trong năm mới sẽ tới ra sao.
Colombia: Nhồi pháo hoa vào hình nộm
Tại “xứ sở cà phê”, nghi thức đốt hình nộm năm mới có nét riêng là chúng thường được nhồi pháo hoa, với niềm tin rằng lửa và pháo hoa không chỉ xua đuổi những điều không may trong năm cũ, mà còn để chào đón năm mới đầy “nhiệt huyết”. Colombia cũng là nước chuộng bắn pháo hoa để chào năm mới nhất tại Mỹ Latinh. Người dân nơi đây thường thực hiện những điều ước của mình đúng vào thời điểm của những màn trình diễn rực rỡ này.
Bên cạnh những nghi thức chung khác như ăn 12 quả nho và cầm vali đi vòng quanh nhà hoặc khu phố, người dân Colombia còn có thói quen đón giao thừa ở tư thế đứng, hay gõ mạnh vào cửa trong đêm năm mới để xua đuổi “tà ma”. Màu vàng – tượng trưng cho tiền tài – là màu được ưa chuộng nhất trong ngày năm mới tại quốc gia Nam Mỹ duy nhất giáp cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương này.
Venezuela: Ăn súp đậu lăng
Bữa ăn tất niên của người Venezuela không thể thiếu đĩa súp đậu lăng. Truyền thống có nguồn gốc từ Italy này được người dân nơi đây tin là sẽ mang lại sự no ấm và thịnh vượng trong năm mới. Một nghi thức phổ biến khác là để một ít tiền trong túi, kể cả khi đi ngủ, vào đêm giao thừa, để thực hiện câu châm ngôn phổ biến “tiền đẻ ra tiền”, cùng với một việc cần làm khác trong đêm tất niên là quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ để bài trừ những “năng lượng xấu”.
Một truyền thống khác thường được những “cô nam, quả nữ” Venezuela muốn cầu tình duyên trong năm mới thực hiện là leo lên và bước xuống cùng một chiếc ghế 3 lần vào ngày đầu năm mới.
Peru: Phong tục tắm hoa
Một phong tục đón năm mới khá nổi tiếng của đất nước bên dãy núi Andes này được gọi là “tắm hoa”, mà cụ thể hơn là phủ đầy cơ thể bằng các loại hoa khác nhau. Nhiều người cầu kỳ còn nhờ cả thầy cúng thực hiện nghi thức này, nhưng tự tắm hoa cho mình cũng là việc rất phổ biến; điều bắt buộc là trước khi tắm hoa, mỗi người phải tắm rửa sạch sẽ. Mục đích của phong tục này là loại bỏ những cảm xúc tiêu cực ở trong cơ thể như ghen tức, đố kỵ hay nóng giận.
Một thói quen khác là quấn hoa quanh đồ vật hoặc bức ảnh tượng trưng cho mong ước của mình trong năm mới. Quả là những phong tục rất “ngốn hoa”. Người dân tại đất nước của đế chế Inca hùng mạnh thuở nào cũng thường mặc quần áo vàng và bày biện tượng Ekeko tượng trưng cho sự trù phú tại những nơi trang trọng trong nhà vào năm mới. Cho dù ở Việt Nam hay tại các nước Mỹ Latinh xa xôi, năm hết Tết đến vẫn luôn là dịp đoàn tụ, sum vầy. Cho dù dưới muôn hình vạn trạng khác nhau, thì những mong ước cơ bản của mỗi người ở thời khắc bắt đầu một chu kỳ mới đó vẫn là “phúc, lộc, thọ”, là sự an lành, phát đạt và hạnh phúc. Có lẽ sau một năm thế giới bị đại dịch COVID-19 tàn phá, thì mong ước ấy càng mãnh liệt và chân thành hơn bao giờ hết.