Nhìn từ bên ngoài, đây trông giống như một buổi đánh cá thường nhật. Trên thuyền, một nhóm người đang tích cực kéo lưới lên từ đáy hồ. Họ chăm chú xem xét “mẻ lưới” và xôn xao bàn thảo. Song thực tế, những người đàn ông trên thuyền không phải những ngư dân vừa bắt được từ lòng hồ một con cá hiếm, mà là những nhà khoa học đang nghiên cứu.
Bùn lầy dưới đáy hồ Baikal ở Siberia là nguồn sản xuất điêden sinh học không bao giờ cạn kiệt. Ảnh: Internet |
Mẻ lưới của họ không có những con cá vược, cá chép hay trai ốc, mà chỉ toàn bùn lầy của đáy hồ. Tại sao chất bẩn bình thường từ lòng hồ lại thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học? Theo sự khẳng định của những nhà nghiên cứu từ Viện Sinh học và Công nghệ sinh học Siberia (Nga), bùn từ đáy hồ có thành phần cho phép dễ dàng thu về từ chúng... nhiên liệu điêden với nguồn gốc sinh học. Hơn nữa, nhiên liệu này sẽ đáp ứng mọi tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Bản thân quá trình sản xuất điêden sinh học từ bùn khá đơn giản. Chỉ cần một số phản ứng hóa học không phức tạp, chất lỏng nhớt bẩn sẽ biến thành sản phẩm tinh sạch. Chi phí nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu mới cũng không cao. Như vậy, các nhà khoa học Siberia đã phát minh một nguồn nhiên liệu giá rẻ và không bao giờ cạn kiệt.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt chú tâm nghiên cứu vấn đề nhiên liệu động cơ thay thế. Một số đã thu được điêden sinh học từ ngô và cải dầu, gieo cấy những thực vật này trên các diện tích rộng lớn. Đây là phương pháp khá hiệu quả nhưng tốn kém. Ở Siberia, các nhà khoa học đã tìm thấy một phương pháp tích cực, do bùn đáy hồ và sông có khối lượng vô hạn, không đòi hỏi chiết suất bằng những biện pháp đặc biệt. Các bãi bùn trên thực tế là nơi lưu trữ chất thải từ sinh hoạt con người, còn lại sau khi qua xử lý nước thải. Nguyên liệu này thật sự lý tưởng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Các nhà nghiên cứu Nga ước tính, chỉ với lượng bùn trung bình hàng ngày có thể thu được gần 1.500 lít nhiên liệu điêden chất lượng cao.
Phát minh của các nhà khoa học Siberia sẽ là một bước đột phá không chỉ trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Nó có tầm quan trọng kinh tế lớn và cho phép chúng ta giải quyết vấn đề môi trường. Hiện nay, chất thải từ các nhà máy xử lý nước thải được lưu trữ và không sử dụng đến. Chúng ta lãng phí một nguyên liệu có giá trị và gây thêm ô nhiễm môi trường. Nếu chất thải không bị vứt bỏ và bắt đầu khai thác nghiêm túc, trong tương lai nhiên liệu sinh học thu được có thể sẽ được sử dụng tại các xí nghiệp có nhu cầu cao về nhiên liệu điêden.
Giải quyết vấn đề nhiên liệu giá rẻ, các nhà nghiên cứu ở Siberia cũng giải quyết cả vấn đề xử lý chất thải. Kết quả phát minh này đã trải qua những giám định quốc tế chặt chẽ. Lao động của các học giả Nga bắt đầu được công bố trên những tạp chí khoa học. Hy vọng chẳng bao lâu, dự án về sản xuất nhiên liệu sinh học mới với chi phí thấp sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống.
TKT