Chặng đường trưởng thành từ một đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội trở thành một họa sĩ khi mà chứng tự kỷ khi ấy chưa được thừa nhận quả thật khó khăn khi bản thân Downes cũng cảm thấy mình khác biệt so với bạn bè. Ở trường bị bắt nạt và niềm an ủi duy nhất của cậu là viết nhật ký minh họa. Đáng buồn là giáo viên chủ nhiệm lại không tin rằng cậu là tác giả của những trang vẽ trong nhật ký, vì vậy tài năng nghệ thuật của Downes đã không được công nhận. Chính mẹ cậu đã trở thành người truyền lửa, thắp sáng nguồn cảm hứng cũng như quyết tâm theo đuổi nghệ thuật của Downes.
May mắn là Downes có trí nhớ phi thường nhưng chỉ giới hạn ở những hình ảnh anh “chụp” bằng mắt thường. Chính vì lý do này, việc tự tay vẽ lại phong cảnh, bức tranh anh từng nhìn ngắm, hay khắc họa lại chi tiết hình ảnh một địa điểm anh từng ghé qua là một chuyện dễ dàng hơn nhiều so với kỳ thi, mà trong đó anh phải vận dụng trí não để ghi nhớ thông tin bằng chữ viết. Khó khăn này đã buộc Downes chuyển đến ngôi trường cấp thấp hơn để theo học ngành nghề đam mê và cũng là thế mạnh của mình. Tuy nhiên, việc tốt nghiệp chuyên ngành vẽ minh họa tại Đại học Brighton cũng không thể tháo gỡ những khó khăn mà một người tự kỷ gặp khó khăn về giao tiếp xã hội phải đối mặt. Kết bạn và hòa nhập cộng đồng càng khó khăn hơn khi anh khao khát sống một cuộc sống bình thường, có một người bạn gái chia sẻ niềm vui và nỗi buồn. "Tôi đã khát khao tìm bạn gái, và điều đó không bao giờ xảy ra" - anh nói.
Ở thời điểm đó, Downes vẫn chưa được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Mang theo những nghi ngờ bản thân mắc chứng tự kỷ, anh quyết định ghi lại những cuộc đấu tranh của mình trong một cuốn tự truyện bằng hình ảnh và nhờ cuốn tự truyện này, anh đã giành một suất vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia danh tiếng ở London, thắng lợi mà anh ấy mô tả "giống như vô địch World Cup". Tuy nhiên, không có gì thay đổi sau khi tốt nghiệp và Downes vẫn hoang mang giữa lựa chọn trở thành một họa sĩ minh họa hay một nghệ sĩ. Cánh cửa sự nghiệp đầu tiên đã mở ra khi anh giành được hợp đồng lớn đầu tiên ký với một ủy ban của BBC.
Đến năm 32 tuổi, Downes được chính thức chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Anh đã tìm đến một cố vấn và đây cũng là người giúp anh kiếm được một công việc bán thời gian trong một cửa hàng nghệ thuật, rồi trở thành Phó Chủ tịch Hiệp hội Tự kỷ quốc gia của Anh, thường xuyên phát biểu và vẽ tranh trực tiếp tại các sự kiện gây quỹ cho tổ chức từ thiện. Nhưng điều đó không làm giảm bớt cảm giác bất lực của anh khi không thể tìm được người bạn đời dù đã lao vào hẹn hò trên mạng. Nỗi tuyệt vọng đã khiến anh cảm thấy ước mơ làm cha của mình tan thành mây khói.
Downes bắt đầu gặp một nhà trị liệu, chữa trị bằng phương pháp thôi miên khi ở tuổi ngoài 40 và phí trị liệu là chính bản vẽ của mình. Những lo lắng hay suy nghĩ tiêu cực của anh được xoa dịu bằng những lời nói trong quá trình thôi miên rằng "Downes, bạn là một nghệ sĩ thực sự tuyệt vời, bạn là duy nhất, bạn khác biệt. Bạn sẽ gặp một người sẽ hiểu vấn đề của bạn."
Cuộc sống của Downes đã có bước ngoặt khi anh gặp được người bạn đời Rachel trong một quán rượu ở Stoke Newington ở London. Cặp đôi đã sống ở California (Mỹ) trong 3 năm. Với anh, cuộc sống tại Las Vegas là cả một thách thức khi phải sống ở môi trường mới, bắt đầu lại từ đầu với tư cách là một nghệ sĩ. Tất cả cảm giác đó đều được anh gửi vào những bức vẽ. Chính vì vậy, họ quyết định quay trở lại Anh, đến Manningtree, và Rachel mang thai cô con gái Talia, hiện đã hai tuổi. Gia đình ổn định, sự nghiệp cũng thăng hoa. Downes gần đây đã trưng bày hơn 40 bức tranh tại Snape Maltings và mở một phòng tranh, hoàn thành giấc mơ thời trẻ ở tuổi 52 - ước mơ mà anh từng cho rằng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Chia sẻ về những tác phẩm của mình, anh nói: "Tác phẩm hay nhất của tôi luôn là những bức tranh tự truyện hoặc những bức tranh mô tả thời đại mà chúng ta đang sống". Với anh, có được cơ hội trưng bày tác phẩm của mình và trò chuyện với mọi người là điều đáng quý và anh cảm thấy điều đó cũng mang lại cho anh nhiều bản sắc hơn với tư cách là một nghệ sĩ.
Cuộc sống của Downes sẽ còn nhiều năm nữa và chắc chắn những trải nghiệm, những chặng đường anh đi qua cùng với những người thân thương bên cạnh sẽ được khắc họa tỉ mỉ trong những "đứa con tinh thần" trong tương lai. Đây có thể coi là một cái kết đẹp cho những nỗ lực của anh - một người có tự kỷ, vượt qua khó khăn của bản thân, thách thức đến từ môi trường sống, cống hiến, tích cực đóng góp giá trị cho xã hội. Anh nói: "Tôi tự hào về tất cả những gì tôi đã đạt được trong thế giới nghệ thuật nhưng có một gia đình là điều quan trọng hơn cả".
Có thể nói, trong xã hội hiện đại, những trường hợp tự kỷ có lối đi riêng thành công như David Downes không nhiều, song cũng không hiếm gặp và đáng được đề cao. Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, cứ trong 100 trẻ em sinh ra, có 1 em mắc chứng tự kỷ. Con số này trên thực tế có thể cao hơn do có nhiều người chưa được tiếp cận chương trình đánh giá y tế. Trong vài năm gần đây, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc nâng cao nhận thức và sự chấp nhận đối với hội chứng tự kỷ, phần nhiều nhờ những cố gắng và sự cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ các khoa học, nhà chuyên môn, phương tiện truyền thông....Nhờ đó, khái niệm về tự kỷ - chứng rối loạn phát triển có liên quan đến sự phát triển chức năng của não, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về kỹ năng giao tiếp xã hội, ngôn ngữ hành vi, sở thích bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại, đã được nhiều người hiểu rõ hơn, thay cho những những câu hỏi mơ hồ như trước rằng đây có phải là bệnh không và có chữa được không?
Chủ đề Ngày Thế giới nâng cao nhận thức tự kỷ năm 2023 là "Chuyển biến: Hướng tới một thế giới hòa nhập cho tất cả mọi người", hướng vào đóng góp của người có tự kỷ trong những công việc bình thường của gia đình, tại nơi làm việc, trong lĩnh vực nghệ thuật hay hoạch định chính sách, để thấy dù tự kỷ là một dạng khuyết tật nhưng những người mang dạng khuyết tật thực sự vẫn có khả năng đóng góp công sức cho những công việc của gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, thực tế là người mắc chứng tự kỷ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử cùng nhiều thách thức khác. Người tự kỷ có rất nhiều tài năng và thách thức thường là thế giới nơi họ sinh ra không được công nhận. Chúng ta cần nhận ra rằng những người mắc chứng tự kỷ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động lớn trong thói quen và cuộc sống hàng ngày xung quanh mình, chẳng hạn như đại dịch, chiến tranh và thiên tai, để từ đó có sự tiếp nhận, hỗ trợ thích hợp để họ tự tin cống hiến và có đóng góp cho xã hội.
Là một giáo viên dạy trẻ đặc biệt, cô Lê Thu Hoài, hiện đang công tác tại Trung tâm Truyền thông và giáo dục đặc biệt Mosaic, cho rằng để thực sự hòa nhập với thế giới, người tự kỷ cần được xã hội chấp nhận, tiếp nhận trong tình yêu thương, đùm bọc từ nhỏ, hỗ trợ toàn diện từ kỹ năng sống, quá trình học tập bài bản theo năm tháng và tạo cơ hội được tham gia hoạt động xã hội, có việc làm phù hợp khi lớn lên, để từ đó có thể khai phá sức mạnh tiềm ẩn của bản thân, hỗ trợ họ phát huy thế mạnh và tận dụng những thế mạnh đó cống hiến, đóng góp cho gia đình và xã hội.