Khảo sát được tiến hành hàng năm, trước thềm cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ), với sự tham gia của hơn 60 nhà kinh tế trưởng từ các khu vực công và tư toàn cầu, nhằm phác họa một bức tranh kinh tế thế giới rõ nét, làm cơ sở để các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp ưu tiên bàn thảo tại diễn đàn.
Khảo sát, công bố ngày 15/1, cho thấy khoảng 56% số người được hỏi dự đoán điều kiện kinh tế toàn cầu nói chung sẽ yếu đi trong năm 2024 và mức độ phân hóa cao theo từng khu vực. Đa số các nhà kinh tế có chung nhận định rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức vừa phải hoặc mạnh lên ở một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới, như Trung Quốc và Mỹ. Đồng thời, phần đông nhất trí rằng kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng yếu, thậm chí là rất yếu.
Triển vọng kinh tế của các nước Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương sẽ có màu sắc tích cực hơn, với nhiều ý kiến kỳ vọng tăng trưởng ở các khu vực này ít nhất nằm ở mức vừa phải trong năm 2024.
Với bối cảnh các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã ra tín hiệu sẽ hạ lãi suất trong năm 2024, 70% các nhà kinh tế học tham gia khảo sát tin tưởng các điều kiện tài chính sẽ dần nới lỏng hơn, khi lạm phát giảm và tình trạng thắt chặt trên các thị trường lao động sẽ giảm bớt.
AI được dự báo sẽ tạo ra dấu ấn không đồng đều đối với các nền kinh tế trên thế giới. Trong khi 94% nhà kinh tế cho rằng AI sẽ làm tăng đáng kể năng suất ở các nền kinh tế có thu nhập cao trong 5 năm tới, thì chỉ có 53% nhà kinh tế tin rằng điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với các nền kinh tế có thu nhập thấp.
Cùng ngày, WEF đã công bố một báo cáo riêng biệt về tương lai của tăng trưởng thế giới trong năm 2024. Báo cáo đánh giá tổng quát 107 nền kinh tế, trong đó kết luận rằng hầu hết các nền kinh tế đang phát triển theo những cách thức không bền vững về mặt môi trường và thiếu hòa nhập về mặt xã hội.
Bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành WEF, nhận định: “Việc khôi phục tăng trưởng toàn cầu sẽ là đòi hỏi cấp thiết để giải quyết những thách thức chính. Tuy nhiên chỉ tăng trưởng thôi là chưa đủ”.
WEF cho biết họ đang phát động một chiến dịch nhằm xác định cách tiếp cận mới đối với tăng trưởng và giúp các nhà hoạch định chính sách cân bằng tăng trưởng với các vấn đề xã hội, môi trường và các ưu tiên khác.