Đây là kết luận được Tổ chức Minh bạch quốc tế đưa ra trong báo cáo hằng năm, công bố ngày 15/6, dựa trên cuộc khảo sát đối với hơn 4.000 người ở 27 nước thành viên EU trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2020.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, hơn 33% những người được hỏi cho rằng tham nhũng đang ngày một trầm trọng hơn ở đất nước họ, dù có sự khác biệt lớn giữa các khu vực và gần 50% cho rằng chính phủ đang xử lý không tốt vấn đề này. Trung bình, 29% những người tham gia khảo sát cho biết đã dựa vào mối quen biết của bạn bè và gia đình để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế công hồi năm 2020 và 6% thừa nhận đã hối lộ để có thể tiếp cận các dịch vụ này. Trong báo cáo, Tổ chức Minh bạch quốc tế nhấn mạnh y tế là một điểm nóng về tham nhũng trong bối cảnh các chính phủ đều nỗ lực để khống chế dại dịch.
Báo cáo cho biết tỷ lệ hối lộ trong lĩnh vực y tế cao nhất là ở Romania (22%), sau đó là Bulgaria (19%), trong khi tỷ lệ dựa vào mối quan hệ để tiếp cận các dịch vụ y tế cao nhất là ở CH Séc (54%), tiếp đó là Bồ Đào Nha (46%).
Khảo sát cũng cho thấy nhiều người được hỏi cho rằng chính phủ của họ không giải quyết cuộc khủng hoảng đại dịch theo cách minh bạch. Hơn 60% số người được hỏi tại Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha cảm thấy điều này.
Không chỉ vậy, nhiều chính trị gia coi đại dịch này là "cơ hội để kiếm lời", trong đó có việc vận động hành lang để mua sắm khẩu trang.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, kết quả khảo sát trên thực sự cho thấy điều đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay. Tham nhũng đang đe dọa mọi hoạt động, không chỉ những người mắc COVID-19 cần được hỗ trợ y tế, mà cả chương trình tiêm chủng các nước EU đang triển khai hay việc lên kế hoạch phân bổ hàng tỷ euro cho giai đoạn phục hồi hậu đại dịch. Do đó, Tổ chức Minh bạch quốc tế kêu gọi các chính phủ EU nỗ lực hơn nữa nhằm đảo bảo việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 một cách công bằng và thích hợp, cũng như cần tăng cường minh bạch trong vận động hành lang ở cả cấp độ quốc gia và khu vực cũng như giải quyết tình trạng trốn thuế.