Khẩu trang và giãn cách COVID-19 khiến Massage Thai ‘hụt hơi’

Dịch vụ tẩm quất-bấm huyệt truyền thống của Thái Lan (Thai massage) đang buộc phải làm mới mình trong kỉ nguyên COVID-19 mà ở đó tiếp xúc vật lý gặp rào cản, còn khẩu trang lại che mất khuôn mặt của kĩ thuật viên ở một quốc gia được mệnh danh là “Đất nước của Nụ cười”.

Chú thích ảnh
Một kĩ thuật viên masage đang phục vụ một khách hàng tại một cửa hiệu mới mở cửa trở lại ở Bangkok. Ảnh: Getty Images.

Bước chân vào một tiệm massage ở Thái Lan, khách hàng vẫn nhận được lời chào mời thân thiện từ kiểu chắp tay thân thuộc, cùng với đó là mùi hương hoa nhài phảng phất trong không gian.

Nhưng sức hấp dẫn giờ giảm đi vì mùi của chất tẩy, cùng với tiếng kêu ken két phát ra từ cọ sát găng tay cao su của kĩ thuật viên. Đại dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng đến cả khách hàng và nhân viên ngành dịch vụ Thai massage, một trong những nghề phổ biến nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Wiboon Utsahajit - Chủ tịch tập đoàn Siam Wellness Group Pcl, đơn vị sở hữu 70 tiệm massage và spa ở Thái Lan - cho biết đây là cuộc khủng hoảng hoàn toàn khác biệt. “Chúng tôi buộc phải thay đổi cách thức vận hành, cho lắp đặt thiết bị khử khuẩn tia cực tím ở tất cả các phòng massage, tăng cường nhập khẩu đồ dùng y tế, diệt khuẩn. Chi phí gia tăng, còn lượng khách hàng thì giảm”, Utsahajit chia sẻ. 

Sự tồn tại của ngành dịch vụ này có ý nghĩa đối với Thái Lan. Ngành du lịch chăm sóc sức khỏe này tạo ra nguồn thu nhập 12 tỉ USD tính tại thời điểm năm 2017, lớn hơn tổng nguồn thu của ngành này tại Indonesia và Malaysia cộng lại. Theo Viện chăm sóc sức khỏe toàn cầu (GWI) có trụ sở ở Minami, bang Florida (Mỹ), dịch vụ Thai massage trực tiếp tạo ra 530.000 việc làm, đóng góp 2,6% vào tổng GDP hàng năm của Thái Lan. 

Còn theo Bộ Y tế Thái Lan, liệu pháp massage, chăm sóc sức khỏe, bấm huyệt là một phần không tách rời trong ngành du lịch-chăm sóc sức khỏe, với 2.800 hiệu spa cao cấp và khoảng 10.000 cơ sở massage bình dân. 

“Massage là ngành dịch vụ thâm dụng sức lao động, với một chuỗi các kĩ năng xoa bóp mà các kĩ thuật viên rất khó chuyển sang công việc khác. Cạnh tranh trong ngành cũng ở mức cao, bởi có quá nhiều các hiệu massage trên cả nước. Vì thế, nhiều cơ sở sẽ gặp khó khăn trong duy trì, tồn tại”, ông Somprawin Manprasert, kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng Ayudhya Pcl nói. 

Chính phủ Thái Lan bắt đầu chú ý tới ngành dịch vụ này sau khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, mở rộng đào tạo nghề để tạo việc làm cho số lao động thất nghiệp mà không cần yêu cầu quá cao về trình độ học vấn, miễn là có kĩ năng thực hành. Hiệu massage đầu tiên của Siam Wellness ra đời trong bối cảnh đó, vào năm 1998. 

Khó khăn, thách thức thời COVID-19

Các cơ sở massage được phép mở cửa trở lại vào tháng 6, với điều kiện phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về giãn cách xã hội và vệ sinh sửa đổi sau thời gian đóng cửa để kiểm soát lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhất là khu vực giáp biên giới, các cửa hàng mới chỉ hoạt động trở lại từ ngày 1/7 và cũng chỉ chọn lựa một số đối tượng khách du lịch nước ngoài nhất định. 

Chú thích ảnh
Kĩ thuật viên massage ngồi trên ghế bảo đảm quy định về giãn cách xã hội mới. Ảnh: Getty Images. 

Các kĩ thuật viên đã quay trở lại làm việc. Nhưng lượng khách ít ỏi khiến nhiều người thích ở nhà làm nông nghiệp hoặc chuyển sang nghề khác. Tình hình còn tồi tệ hơn khi chính phủ có kế hoạch không mặn mà với du lịch đại trà và hướng trọng tâm sang thu hút khách du lịch giàu có trong loại hình nghỉ dưỡng xa xỉ thời hậu COVID-19. 

Điều này sẽ khiến nhiều nhân viên, kĩ thuật viên ngành massage mất việc làm. Bởi theo ông Somprawin, hạn chế về đi lại sẽ khiến lượng khách quốc tế tụt giảm, còn thị trường nội địa sẽ bị co hẹp do thu nhập giảm, người dân tăng cường các khoản chi tiêu phòng thân. 

Dịch vụ massage ở Thái Lan phần lớn tập trung ở các tiệm bình dân dọc theo các tuyến phố, với mức phí dao động trong khoảng từ 3-10 USD/giờ và khách hàng phần đông cũng là người bản địa. Doanh thu được chia đều giữa chủ cơ sở và kĩ thuật viên, trong đó kĩ thuật viên thường là người phải chi trả khoản dầu xoa và giờ thêm cả khẩu trang. 

Dựa theo tiêu chí các cửa hiệu như vậy, đã có hơn 140.000 nhân viên trị liệu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp dưới hình thức “lao động không chính thức”. Đó là chưa kể đến số nhân viên nộp đơn trợ cấp theo tiêu chí nghề nghiệp khác vì lý do cá nhân, số kĩ thuật viên nước ngoài và số nhân viên nhận thu nhập tại các hiệu spa xa xỉ trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng.  

Các cơ sở massage đã được bật đèn xanh cho mở cửa trở lại với điều kiện bảo đảm giãn cách tối thiểu 1,5 m giữa hai khách hàng, giới chủ phải sử dụng phòng riêng cho một số liệu pháp nhất định. Nhưng nhiều cửa hiệu vẫn chọn cách đóng cửa do những rào cản về sức khỏe và du lịch mà tại các kì khủng hoảng trước chưa từng xuất hiện. 

Một số khách nước ngoài sẽ đi du lịch Thái Lan dựa trên các thỏa thuận “bong bóng du lịch” mà chính quyền Bangkok đang chuẩn bị ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khách du lịch e dè ở mức độ nào đối với liệu pháp truyền thống mà UNESCO mới công nhận là “Di sản của nhân loại” vào tháng 12/2019 – thời điểm kỉ nguyên COVID chuẩn bị xuất hiện. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)
ILO: Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến 55 triệu người bản địa tại Mỹ Latinh
ILO: Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến 55 triệu người bản địa tại Mỹ Latinh

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa cảnh báo những yếu tố dễ bị tổn thương như nghèo đói, việc làm phi chính thức và nằm ngoài lề xã hội đã khiến khoảng 55 triệu người bản địa thuộc hơn 800 dân tộc khác nhau ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe đối mặt với rủi ro lớn hơn trước dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN