Nhóm chuyên gia tại hai Đại học Monash, Đại học Torrens ở Australia, Đại học Edinburgh ở Anh và Trường Y Đại học Chiết Giang ở Trung Quốc, đã phân tích 72 nghiên cứu. Các nghiên cứu này đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp y tế công cộng nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại châu Á, châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Australia. Trong số đó, có 34 nghiên cứu về các biện pháp phòng dịch cá nhân, một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và 37 nghiên cứu về các biện pháp y tế cộng đồng.
Qua phân tích, nhóm chuyên gia nhận thấy trong 8/35 nghiên cứu, tỷ lệ mắc COVID-19 giảm 53% ở những người đeo khẩu trang. Việc rửa tay cũng giúp giảm tương tự nguy cơ mắc bệnh, song các chuyên gia cho rằng điều này không có ý nghĩa về mặt thống kê sau khi điều chỉnh một số lượng nhỏ các nghiên cứu.
Trong khi đó, các chuyên gia cho biết hiện chưa thể đánh giá hiệu quả của các biện pháp khác như phong tỏa, đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học… do sự khác biệt về quy mô, các biện pháp đo lường trong nghiên cứu. Họ cho rằng cần phải đánh giá thêm các biện pháp đó để có sự đối chiếu giữa những tác động tiêu cực tiềm ẩn đến các cộng đồng dân cư với những kết quả tích cực thu được.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu nhận định rằng dù vaccine ngừa COVID-19 đã chứng minh được tính an toàn, hiệu quả và giúp giảm tỷ lệ tử vong, nhưng hầu hết không có tác dụng bảo vệ 100% và chưa thể xác định được hiệu quả phòng bệnh của vaccine trước các biến thể mới trong tương lai như thế nào.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Stella Talic, tại Đại học Monash, cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng và ngay cả khi tỷ lệ tiêm phòng rất cao, các biện pháp y tế dự phòng vẫn là những lựa chọn hàng đầu để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tiến sĩ Stella Talic cũng nhấn mạnh bằng chứng hiện tại từ các phân tích định lượng cho thấy lợi ích liên quan giữa việc rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đối với việc giảm tỷ lệ mắc COVID-19. Tuy nhiên, bà cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn để đánh giá hiệu quả của các biện pháp y tế cộng đồng sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ. Có khả năng việc kiểm soát đại dịch trong thời gian tới sẽ không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm phòng cao mà còn dựa vào việc tuân thủ các biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả và bền vững.