Kế hoạch của hãng sản xuất ô tô hàng đầu "xứ sở cờ hoa" với mục tiêu tiết kiệm chi phí được coi là một đòn giáng mạnh vào chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump vốn lâu nay chủ trương tăng cường sản xuất trong nước và coi tạo việc làm cho người Mỹ là ưu tiên hàng đầu.
Tiết kiệm 6 tỷ USD chi phí hoạt động và tập trung phát triển mảng ô tô điện và xe tự lái trong bối cảnh các điều kiện thị trường trở nên khó khăn hơn là những lý do mà GM đưa ra để giải thích cho quyết định cắt giảm gần 15.000 nhân công (15% lực lượng lao động) và đóng cửa 5 nhà máy sản xuất ở Bắc Mỹ.
Theo GM, kế hoạch này sẽ giúp hãng hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện để hãng đầu tư tốt hơn cho nghiên cứu công nghệ mới, đặc biệt là dịch vụ taxi không người lái. Đây là đợt cải tổ cơ cấu lớn nhất tại khu vực Bắc Mỹ của hãng sản xuất ô tô số 1 nước Mỹ kể từ khi tuyên bố phá sản cách đây một thập kỷ.
Trên thực tế thì GM đã "bóng gió" về kế hoạch này từ vài tháng trước, song khi đó động thái của hãng được xem là cách để phản đối các chính sách thuế và cuộc chiến thương mại mà Washington châm ngòi. Hồi tháng 8, trong một bức thư gửi đến Nhà Trắng, GM cho rằng việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu làm thu hẹp thị phần của hãng xe này ngay trên thị trường nội địa và dẫn tới nguy cơ GM phải sa thải nhân viên ngay trên lãnh thổ Mỹ. Số lượng xe hơi GM bán ra trên thị trường Trung Quốc cao gấp đôi so với mức doanh số ở Mỹ, bởi vậy GM ước tính sẽ bị thiệt hại lên tới 1 tỷ USD năm 2018. do chính sách thương mại cứng rắn mà ông Trump thực hiện.
Tuy nhiên, quyết định của GM đã lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Tổng thống Donald Trump. Bằng những ngôn từ gay gắt nhất, ông Trump bày tỏ thất vọng và đe dọa sẽ chấm dứt hỗ trợ tín dụng thuế liên bang cho xe ô tô điện của GM. Mức trợ giá từ 2.500-7.500 USD được Chính phủ Mỹ đưa ra nhằm khuyến khích khách hàng mua ô tô điện của các nhà sản xuất trong nước để hạn chế lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", trong gần 2 năm kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường sản xuất trong nước cũng như tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và ô tô. Ông Trump từng không ít lần công khai chỉ trích các hãng chế tạo không nỗ lực hết sức để mang lại cơ hội việc làm cho người Mỹ hoặc chuyển hoạt động sản xuất trong nước ra nước ngoài.
Do đó, động thái của GM rõ ràng đi ngược lại những nỗ lực mà ông chủ Nhà Trắng đang thúc đẩy nhằm tái cơ cấu các cơ sở sản xuất, chế tạo nội địa để thu hút các doanh nghiệp Mỹ "hướng nội" và bảo vệ công ăn việc làm của người dân. Kế hoạch cải tổ của GM cũng là một cú sốc đối với chính quyền Tổng thống Trump khi được công bố đúng thời điểm thị trường việc làm ở Mỹ đang ở giai đoạn khởi sắc.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tỷ lệ lao động ở nước này hiện ở mức 59,3%, mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế giai đoạn 2008-2009. Tỷ lệ người Mỹ tham gia lực lượng lao động cao là một "điểm cộng" đối với ông Trump trong bối cảnh ông đang nỗ lực lôi léo sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ kế hoạch của GM đối với nỗ lực chính trị của Tổng thống Trump. Bằng chứng là trong số 5 nhà máy mà GM dự định đóng cửa có tới 4 nhà máy ở Mỹ, trong đó có nhà máy ở bang Ohio vốn được coi là bang tranh cử chiến lược của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2 năm tới.
Trong khi đó, phần nhiều trong số việc làm bị cắt giảm là ở khu vực Trung Tây, "địa bàn" chính trị quan trọng góp phần vào thắng lợi của tỷ phú Trump trong chiến dịch tranh cử cách đây 2 năm với cam kết khôi phục việc làm ở địa phương. Trong một sự kiện diễn ra gần nhà máy GM ở Lordstown (Lót-thao), Ohio, vào năm ngoái, Tổng thống Trump thậm chí còn nói với người dân rằng đừng bán nhà và rời đi bởi các việc làm "đang quay lại". Tuy nhiên, kế hoạch gây sốc của GM rõ ràng đang như một tảng đá đập tan những tuyên bố hùng hồn khi đó của nhà lãnh đạo Mỹ.
Không chỉ bên trong nước Mỹ, GM còn quyết định đóng cửa một nhà máy ở Oshawa thuộc tỉnh bang Ontario của Canada chuyên sản xuất dòng xe sedan Impala. Việc GM đóng cửa 5 nhà máy sẽ khiến khoảng 3.600 công nhân ở Mỹ và 3.000 công nhân ở Canada mất việc. GM trong thư phản hồi gửi Tổng thống Trump khẳng định hãng vẫn đang đẩy mạnh sản xuất trong nước, dẫn chứng khoản đầu tư hơn 22 tỷ USD kể từ năm 2009 đến nay. GM cũng cho biết những nhân công bị ảnh hưởng trong kế hoạch này sẽ có cơ hội thuyên chuyển sáng các nhà máy khác của GM đang sản xuất các dòng xe ăn khách như xe tải và xe thể thao đa dụng SUV. GM đồng thời cam kết tăng việc làm trong lĩnh vực xe điện và xe tự lái.
Việc cắt giảm trợ cấp chưa rõ sẽ tác động thế nào tới ngành sản xuất ô tô của Mỹ nói riêng hay nền kinh tế đầu tàu thế giới nói chung, nhưng chắc chắn sẽ kéo tụt doanh thu của GM vốn đang chật vật đối phó với tình trạng giảm doanh số ở trong nước và thị trường lớn nhất của hãng tại Trung Quốc. Khi không đặt nước Mỹ lên trước tiên, GM có thể sẽ phải đối mặt với những biện pháp đáp trả từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Tuyên bố của ông Trump khiến giới đầu tư lo ngại mà hậu quả là cổ phiếu của GM đã giảm 2,6% ngày 28/11, dù trước đó 1 ngày đã tăng mạnh sau khi GM công bố kế hoạch cải tổ. Giới phân tích cảnh báo GM nên cân nhắc các phương án phù hợp với chính sách liên bang khi mà để có thể tiết kiệm 6 tỷ USD hãng này có thể sẽ thiệt hại khoảng 2 tỷ USD. Ngoài ra, nỗ lực của GM cùng với hãng Tesla vận động Quốc hội Mỹ nâng mức tín dụng thuế hỗ trợ đối với xe điện cũng sẽ gặp khó khăn do vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump.