Khi IS bị đánh bật khỏi Raqqa, khoảng trống quyền lực sẽ xuất hiện?

Theo đánh gia của hãng thông tấn AFP, việc đánh bật tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi Raqqa (Syria) có thể giải quyết được điều cấp thiết nhưng sẽ nảy sinh vấn đề khác, đó là ai sẽ đảm nhận việc cai quản thành phố này?

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn đang tiến hành cuộc chiến chống lại IS ở Raqqa, bên cạnh đó, ở phía khác là lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ai sống tại Raqqa?


Nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 80km, Raqqa được cho là nơi cư trú của 300.000 dân, trong đó có 80.000 người từ khắp Syria trước đó đã đến đây tạm lánh kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát.

Binh sĩ quân đội Syria trong cuộc chiến với IS. Ảnh: Sputnik

Chuyên gia địa lý người Pháp Fabrice Balanche cho biết hầu hết dân số nơi này trước chiến tranh là người Arab nhưng khoảng 20% là người Kurd.

Vào năm 2013, hai năm sau khi cuộc nội chiến Syria bùng phát, lực lượng nổi dậy và các tay súng của tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã xâm chiếm Raqqa. Một năm sau đó, khu vực này rơi vào tay IS.

Cùng thời điểm này, người Kurd tại Syria đã lập "chính quyền tự trị" trong lãnh thổ bị bỏ quên bởi quân đội Syria ở thời điểm lực lượng này chiến đấu với IS ở phía Bắc và Đông Bắc.

Ai sẽ quản lý Raqqa?


Vào giữa tháng 4, SDF công bố thành lập "hội đồng công dân" đảm nhận quản lý Raqqa khi IS bị đánh bại. Hội đồng này sẽ gồm những người gốc tỉnh Raqqa.

Người đứng đầu bộ phận truyền thông của hội đồng này, ông Omar Alloush cho biết bộ phận này sẽ quản lý giáo dục, y tế, an ninh, phụ nữ và thanh niên...

Ông Omar Alloush nói với AFP: "Chúng tôi chưa thảo luận việc liệu Raqqa có gia nhập hệ thống liên bang của người Kurd hay không. Điều này sẽ được người dân quyết định sau giải phóng".

Được hình thành vào năm 2015, SDF được liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lưng. AFP cho biết SDF chịu ảnh hưởng của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và gần đây Mỹ lần đầu tiên đã trực tiếp cấp vũ khí cho lực lượng này.

Điều này đã "chọc giận" Thổ Nhĩ Kỳ bởi Ankara coi YPG là nhóm khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng khẳng định Ankara chỉ tham gia vào cuộc chiến chống IS tại Raqqa với điều kiện lực lượng người Kurd rút lui.

Ông Balanche cho rằng các bộ lạc tại Raqqa chưa sẵn sàng chấp nhận sự thống trị của người Kurd. Ông Faysal al-Sibat, một thành viên Quốc hội Syria đồng thời là người giữ vị trí cao tại bộ lạc Al-Welda tại Raqqa cho biết SDF không nhận được nhiều ủng hộ.

Trong khi đó, chính phủ Syria từ lâu khẳng định rằng lực lượng này sẽ dẫn dắt cuộc chiến giành lại Raqqa. Binh sĩ Syria đã giành lại được thị trấn Maskana từ tay IS vào ngày 4/6, do vậy, lực lượng này hiện đang ở phần giáp ranh giữa Aleppo và Raqqa.

Người phát ngôn của SDF Talal Sello không loại trừ khả năng quân đội Syria cùng đồng hành trong cuộc chiến đánh bật IS khỏi Raqqa. AFP nhận định rằng chính phủ Syria đang lo ngại về phần lãnh thổ bị lực lượng do Mỹ hậu thuẫn chiếm giữ nhưng gần đây cũng chấp nhận việc SDF chiến đấu chống lại IS là hợp pháp.

Ông Sello nói với AFP: “Việc tham dự của quân đội Syria dựa vào thỏa thuận giữa liên minh do Mỹ dẫn đầu và Nga”.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Tiền tuyến thất thủ, IS kích động trả thù ngay tại phương Tây
Tiền tuyến thất thủ, IS kích động trả thù ngay tại phương Tây

Những thất bại liên tiếp tại Syria và Iraq chính là nguyên nhân khiến tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đẩy mạnh các hoạt động khủng bố nhằm vào các nước phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN