Họ, những nạn nhân còn sống hay gia đình, người thân giờ cảm thấy cuối cùng thì vết thương lòng trong quá khứ cũng được hàn gắn dù ký ức đau buồn vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm. Những câu chuyện về vô số các thảm cảnh “không thể tin nổi” mà họ phải gánh chịu thời thơ ấu cũng như đeo bám suốt phần đời còn lại cuối cùng cũng đã được lắng nghe, chia sẻ và tin tưởng.
Lời xin lỗi quốc gia của Thủ tướng Morrison chỉ là một “việc phải làm” trong hơn 120 khuyến nghị mà Ủy ban điều tra Hoàng gia đưa ra sau báo cáo công bố cuối năm ngoái về nạn lạm dụng tình dục trẻ em vốn gây rúng động trên toàn Australia và được coi là một thảm kịch quốc gia.
Ủy ban điều tra Hoàng gia này do cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard thành lập năm 2012 để điều tra các cáo buộc về tình trạng ấu dâm, tra tấn trẻ em trong các cơ sở, tổ chức từ những năm nửa đầu thế kỷ 20. Đây là Ủy ban điều tra Hoàng gia lớn nhất trong lịch sử Australia đối với các định chế để xảy ra các vụ lạm dụng tình dục trẻ em.
Trong 5 năm, Ủy ban đã phát hiện hàng chục nghìn vụ trẻ em bị lạm dụng khi điều tra hàng nghìn cơ sở khác nhau, bao gồm viện mồ côi, trường học, nhà thờ, các nhóm hướng đạo và các câu lạc bộ thể thao có tổ chức. Gần 60% các nạn nhân sống sót cho biết đã bị lạm dụng trong các cơ sở tôn giáo với nạn nhân chủ yếu là các bé trai, trong khi hơn 30% bị lạm dụng trong các cơ sở chăm sóc trẻ nằm dưới sự bảo trợ của chính quyền bang hay liên bang.
Tuy nhiên, điều đáng báo động nhất mà Ủy ban điều tra đưa ra là đa số các nạn nhân không dám tiết lộ chuyện họ bị lạm dụng, chủ yếu do xấu hổ, lo lắng tới phẩm giá, bị trả thù hay đơn giản chỉ là không được người khác lắng nghe vì bị coi “là chuyện con nít”.
Lời xin lỗi quốc gia cùng khoản tiền bồi thường lên tới 150.000 AUD/người hẳn chưa thể làm tan biến những đau thương mà các nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu trong vài chục năm qua, nhưng trong con mắt nhiều người, đây là sự nhìn nhận về cái thực tế, cái mặt trái mà xã hội Australia cũng như nhiều nơi trên thế giới phải đối mặt cả trong quá khứ lẫn hiện tại nhưng lại luôn bị chối bỏ.
Nhà báo Joanne McCarthy ở tờ “The Newcastle Herald”, người theo dõi và có nhiều bài viết về thảm kịch này kể từ năm 2006, nhận định lời xin lỗi quốc gia cho thấy chỉ khi có lòng dũng cảm, cả từ nạn nhân lẫn giới chức trách, thì những tiếng nói bị dập tắt trong tăm tối mới được đưa ra ánh sáng. Bà nói: “Lời xin lỗi là dấu hiệu về một đất nước Australia đã trưởng thành”.
Tuy nhiên, đối với các nạn nhân cũng như hàng triệu người quan tâm vấn đề này ở Australia, điều quan trọng nhất là lời xin lỗi quốc gia của Thủ tướng Morrison cần gắn với những hành động thiết thực cụ thể tiếp theo để đảm bảo rằng những vụ lạm dụng không bao giờ tái diễn.
Được biết, Chính phủ Australia đã chấp thuận hơn 100 khuyến nghị về “những việc phải làm” của Ủy ban điều tra Hoàng gia, trong đó có việc sửa đổi chính sách, siết chặt các quy định, thiết lập một văn phòng toàn quốc về an toàn cho trẻ em, những trung tâm giám sát các cơ sở, tổ chức liên quan tới trẻ em. Ngoài ra, một viện bảo tàng, một trung tâm nghiên cứu toàn quốc, một chương trình giáo dục toàn quốc, những trung tâm giúp đỡ, huấn luyện…cũng được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em và người dân về vấn đề này cũng như hậu quả mà nó gây ra.
Thảm kịch quốc gia ở Australia được xem là lời cảnh tỉnh cho bất cứ xã hội nào bởi vấn nạn này không chỉ xảy ra ở riêng Australia.
Hồi tháng 8 vừa rồi, Tòa án Tối cao bang Pennsylvania, Mỹ đã công bố kết quả điều tra trong một báo cáo dài gần 900 trang về tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo tại bang này. Báo cáo cho biết hơn 1.000 trẻ em đã bị khoảng 300 thành viên thuộc 6 giáo phận trong bang xâm hại trong vòng 70 năm qua.
Một nghiên cứu được chính Giáo hội Công giáo Đức tiến hành phát hiện khoảng 1.670 linh mục đã thực hiện một số hình thức tấn công tình dục đối với 3.677 trẻ vị thành niên từ năm 1946 tới 2014 ở nước này. Hầu hết nạn nhân là các bé trai và có tới hơn một nửa dưới 13 tuổi. Tuy nhiên, chỉ có % nghi phạm bị truy tố và phần lớn chỉ bị xử lý nhẹ. Điều đáng nói hơn, những điều tra này cho thấy phần lớn các vụ việc này đã bị che giấu, bị phớt lờ suốt một gian dài.
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố tháng 3 vừa qua cho biết trên toàn thế giới, khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai dưới 18 tuổi đã bị bạo lực và lạm dụng tình dục.
Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn gây nhức nhối của Ấn Độ trong những năm vừa qua, với những con số đau lòng, cứ 15 phút lại có một em nhỏ bị lạm dụng tình dục; 3 nạn nhân bị cưỡng hiếp thì có một người là trẻ em. Thực trạng đáng báo động này buộc Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng 4 vừa qua phải thông qua Luật Hình sự sửa đổi năm 2018, cho phép kết án tử hình những đối tượng phạm tội cưỡng hiếp trẻ em dưới 12 tuổi.
Trẻ em ở những quốc gia có chiến tranh, xung đột là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới số như hiện nay, khi mỗi ngày có hơn 175.000 trẻ em lần đầu tiên sử dụng Internet, nguy cơ trẻ em bị lạm dụng tình dục đang ngày càng cao.
Trẻ em là những thế hệ nắm giữ tương lai của đất nước, là những đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, lắng nghe nhiều hơn và trên tất cả là bảo đảm an toàn. Trong bối cảnh nạn lạm dụng tình dục trẻ em trên thế giới ở mức báo động như hiện nay, lời xin lỗi quốc gia của Thủ tướng Scott Morrison đối với các nạn nhân ở Australia là cần thiết, song chưa đủ, mà cần nhiều hành động cứng rắn và quyết liệt ở từng quốc gia và trên cấp độ toàn cầu trong cuộc chiến chống lại loại tội ác không thể dung thứ này.