Cuộc hội đàm kín kéo dài gấp đôi thời gian so với dự kiến, một cuộc hội đàm mở rộng và những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau hội nghị thượng đỉnh đều cho thấy cuộc gặp đầu tiên này đã đạt được mục tiêu mà hai bên đề ra. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt, quan hệ song phương Nga - Triều, quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ…
Ông Kim Jong-un cho biết ông “đã có cuộc gặp hữu ích và thẳng thắn” với Tổng thống Putin, trong khi ông Putin cũng bày tỏ hài lòng và cam kết đóng vai trò giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Cùng với đó, bầu không khí thân mật và gần gũi kể từ khi ông Kim Jong-un dừng chân ở ga Khasan của Nga, với những câu nói về “người láng giềng hữu nghị vĩ đại” và “mối quan hệ truyền thống có cội rễ sâu giữa hai nước”…, có thể nói chuyến thăm Nga mà nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng “chỉ là bước đầu tiên” và “không phải cuối cùng” đã “hồi sinh” mối quan hệ thân thiện có từ thời Liên Xô giữa hai nước.
Thực tế thì cả Nga và Triều Tiên đều được hưởng lợi khi mối quan hệ hai nước nồng ấm trở lại, xét trên cả phương diện chính trị lẫn kinh tế, nhất là khi cả hai đều đang có những khó khăn nhất định và điều đang có những vướng mắc trong quan hệ với Mỹ, trước hết là các biện pháp trừng phạt và o ép từ Washington.
“Cái bắt tay” giữa hai hai nhà lãnh đạo Nga-Triều sau 8 năm có thể hiểu như một thông điệp rằng Moskva và Bình Nhưỡng có thể đứng cùng nhau để đối phó với những áp lực từ bên ngoài. Việc Tổng thống Nga và nhà lãnh đạo Triều Tiên đề cập tới những dự án kinh tế chung, thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác vì lợi ích chung giữa hai nước.
Liên quan đến quan hệ song phương, nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng đưa quan hệ hiện đại với Moskva “ổn định hơn và mạnh mẽ hơn”, khi một trong những mục tiêu của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nga là tìm một lối thoát cho nền kinh tế bị kiềm tỏa của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, ông Putin tin tưởng rằng chuyến thăm của ông Kim Jong-un sẽ tạo một “cú hích” cho các quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước.
Tại hội nghị, Tổng thống Nga đã kêu gọi hợp tác kinh tế 3 bên giữa Nga với Hàn Quốc và Triều Tiên. Lời kêu gọi này dường như đáp lại một ý tưởng trước đó của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, khi đó ông từng khẳng định khi hòa bình được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế liên Triều sẽ cần tới sự tham gia của Nga.
Theo đó, những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác kinh tế 3 bên là hệ thống đường sắt, đồng ống dẫn khí đốt và mạng lưới điện. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng từng ủng hộ ý tưởng hợp tác kinh tế 3 bên giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Moskva. Thông qua lời kêu gọi hợp tác kinh tế 3 bên, Tổng thống Nga dường như cũng “hối thúc” Hàn Quốc tích cực hơn trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Liên quan đến vấn đề đàm phán hạt nhân, hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề này. Có thể nói sau chuyến thăm Nga này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có một “đồng minh mạnh” khi Tổng thống Putin khẳng định nguyên tắc đảm bảo an ninh và chủ quyền của Bình Nhưỡng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Việc ông Putin thể hiện quan điểm tương đồng giữa Nga và Triều Tiên trong vấn đề này, cùng thái độ có thể coi là công khai ủng hộ lập trường đàm phán của Bình Nhưỡng, rõ ràng, đã góp phần gia tăng vị thế của Triều Tiên trên bàn thương lượng. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ lâm vào bế tắc, kết quả cuộc đàm phán đã trao thêm cho Triều Tiên một điểm tựa vững chắc để tiếp tục “cuộc đấu giằng co” nhằm đạt được những gì Bình Nhưỡng muốn.
Về phía Nga, bằng tuyên bố rằng các thỏa thuận song phương về đảm bảo an ninh là chưa đủ, mà cần một cơ chế an ninh đa phương cho Bình Nhưỡng, và đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc tế, Moskva cũng ngầm khẳng định Nga vẫn là một người chơi có trọng lượng trong một vấn đề lớn toàn cầu.
Bên cạnh đó, Nga cũng thể hiện vai trò một cường quốc có trách nhiệm. Tổng thống Putin nhấn mạnh đối thoại và hòa bình là biện pháp hiệu quả duy nhất để giải quyết các vấn đề, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, và Nga sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một phản ứng cùng ngày, Trung Quốc và Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều, bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh Bắc Kinh tin tưởng kết quả cuộc gặp sẽ trở thành nguồn năng lượng mới để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moskva để đạt hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá cao nỗ lực của ông Putin nhằm tìm một giải pháp chính trị và ngoại giao cho vấn đề bán đảo Triều Tiên và hy vọng hội nghị sẽ góp phần đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn, tạo nền tảng nối lại các cuộc đàm phán Mỹ - Triều và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.
Có thể thấy truyền thống hữu nghị tốt đẹp trong quá khứ là cơ sở để Nga và Triều Tiên thúc đẩy mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trong bối cảnh hiện nay, và rõ ràng hai bên đang khẳng định điều này thông qua cuộc gặp thượng đỉnh tại Vladivostok. Việc hai bên cùng gợi lại quan hệ tốt đẹp trước đây là bước đi tạo dựng lòng tin đối với nhau, đồng thời cũng phát đi nhiều thông điệp.
Như thông báo trước cuộc gặp thượng đỉnh, rằng hai nhà lãnh đạo sẽ không ra tuyên bố chung và không ký kết văn bản chính thức nào, song bằng sự “đồng thanh, hiệp lực” mà hai bên thể hiện, Nga và Triều Tiên đã tạo được nền móng đầu tiên để có thể phối hợp sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn trong các vấn đề mà cả hai có cùng lợi ích. Cũng từ cuộc gặp này, thế và lực của Nga và Triều Tiên trong những vấn đề khu vực có thể thay đổi theo hướng tăng thêm sức nặng. Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều Tiên, vì thế, đã đạt kết quả thực chất.