Lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Tomari của Công ty điện lực Hokkaido (HEPCO) là lò phản ứng cuối cùng tạm ngừng hoạt động hôm 5/5/2012. Đó là một hiện tượng không bình thường khi cả 50 lò phản ứng ở Nhật Bản ngừng hoạt động và 30% điện năng của cả nước bị triệt tiêu hoàn toàn. Lần đầu tiên kể từ năm 1970 đến nay – 42 năm – nước Nhật không có điện hạt nhân.
Nguyên nhân của sự bất thường này là do các lò phản ứng ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ không thể hoạt động trở lại ngay cả khi quá trình kiểm tra đã hoàn tất, do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1 của Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) sau vụ động đất, sóng thần ngày 11/3/2011.
Nhà máy điện hạt nhân Tomari. Ảnh: Internet |
Điều quan trọng là phải tái khẳng định tính an toàn của các lò phản ứng dựa vào những bài học thu được từ cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, người ta không lường được rằng chính sách điện hạt nhân của chính phủ Nhật Bản vẫn còn thiếu nhất quán, làm trì hoãn các thủ tục tái khởi động các lò phản ứng.
Những phản ứng thiếu sự chuẩn bị của Tôkyô như tuyên bố bất ngờ của cựu Thủ tướng Naoto Kan về phi hạt nhân hóa đã làm dấy lên sự hoài nghi của công chúng đối với ngành điện hạt nhân. Những vụ lùm xùm liên quan đến các công ty điện lực và Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp cũng làm trì hoãn vấn đề tái khởi động các lò phản ứng.
Nhà máy điện hạt nhân Oi - Hy vọng còn lại
Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Yosihiko Noda đã khẳng định mức độ an toàn của lò số 3 và số 4 tại nhà máy điện hạt nhân ở Oi của Công ty điện lực Kansai (KEPCO) và kết luận hai lò này đủ điều kiện để tái khởi động. Tuy nhiên, chính phủ đã không thể nhận được sự cảm thông của người dân địa phương nơi đặt hai lò phản ứng này và vẫn còn vấp phải nhiều trở ngại để đạt được một sự đồng thuận trong vấn đề này. Những tuyên bố còn nhiều mâu thuẫn của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano cũng tác động không nhỏ đến việc này.
Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, có khả năng sẽ không còn lò phản ứng nào hoạt động trong mùa hè năm nay, thời điểm bùng nổ nhu cầu tiêu thụ điện năng.
Dịch vụ của KEPCO phụ thuộc hoàn toàn vào việc sản xuất điện hạt nhân. Nếu các lò phản ứng không hoạt động trở lại, khu vực này sẽ thiếu hụt khoảng 15% điện năng vào đúng thời điểm thời tiết trở nên nóng nực nhất. Trong trường hợp này, chính phủ nhiều khả năng sẽ phải ban bố sắc lệnh tiết kiệm điện năng hoặc tiến hành cắt điện luân phiên đối với người dân.
Vào lúc này, dư luận mong chờ Thủ tướng Nhật Bản thực hiện vai trò người lãnh đạo tối cao của chính phủ và nỗ lực hết sức mình để thuyết phục người dân địa phương đồng thuận để tái khởi động lò phản ứng.
Khu vực Kansai không phải là vùng duy nhất phải hứng chịu tình trạng thiếu hụt điện năng nghiêm trọng. Tất cả các địa phương ở Nhật Bản đều lâm vào tình cảnh tương tự do không đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu điện năng.
Tác động dây chuyền
Theo một điều tra do Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) tiến hành, 70% các doanh nghiệp sản xuất cho biết họ sẽ giảm sản lượng nếu xuất hiện những lo ngại về nguồn cung năng lượng.
Chi phí nhiên liệu cho sản xuất nhiệt điện – giải pháp thay thế cho điện hạt nhân hiện nay – phải cần thêm từ 3-4 tỷ yên mỗi năm, làm dấy lên lo ngại giá tiêu thụ điện năng sẽ tăng vọt. Và lẽ dĩ nhiên, sự thiếu hụt điện năng sẽ làm đóng băng nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp của Nhật Bản. Ngoài ra, nếu chính phủ Nhật Bản buộc phải tiến hành các biện pháp mạnh mẽ nhằm tiết kiệm điện năng đối với các hộ gia đình, những tháng hè nóng nực sắp tới sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người già và những người đau yếu.
Một vấn đề lớn khác là việc trì hoãn thành lập một cơ quan quản lý hạt nhân mới cũng làm chậm thủ tục tái khởi động các lò phản ứng của các nhà máy điện hạt nhân khác ngoài nhà máy Oi.
Bên cạnh đó, dư luận Nhật Bản kỳ vọng các đảng cầm quyền và đối lập ở nước này tăng cường thảo luận tiến tới thành lập cơ quan giám sát hạt nhân và đẩy nhanh việc hình thành một cơ chế mới cho công tác khảo sát trước khi tái khởi động các lò phản ứng.
Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)