Đất nước Ấn Độ chìm trong nỗi đau trong hai tuần nay, khi những trận mưa mùa đến sớm hơn thường lệ trút nước xuống các vùng miền Bắc, khiến nước sông Hằng dâng cao, gây lũ quét, sạt lở đất và lụt tại nhiều nơi.
Nghiêm trọng nhất là bang Uttarakhand, nơi có nhiều đền thờ được cho là linh thiêng, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách thập phương. Lũ lụt được ví như trận “sóng thần” đã quét cả những khách sạn 3 sao, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại tại khu vực dưới chân dãy núi Himalaya này. Có những ngôi đền vững chãi tồn tại bao đời nay cũng bị nước cuốn trôi, để lại những nền móng gồ ghề nham nhở trông rất tang thương.
Quân đội Ấn Độ sơ tán người hành hương bị mắc kẹt trong trận ngập lụt và lở đất tại Govind Ghat ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chạy đua với thời gian
Bất chấp điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa và sương mù dày đặc, lực lượng Lục quân và Không quân Ấn Độ cùng Cơ quan phụ trách về thảm họa khẩn cấp, các cơ quan địa phương và người tình nguyện đã chạy đua hết tốc lực trong suốt 11 ngày qua để cứu người bị nạn, sơ tán những người bị kẹt trên các quả đồi vùng rốn lũ tới nơi an toàn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, cho đến ngày 26/6 vẫn còn 3.500 người bị kẹt tại khu vực Harsil và Badrinath đang chờ cứu.
Sau vụ chiếc máy bay lên thẳng của Lực lượng Không quân (IAF) Ấn Độ đang làm nhiệm vụ cứu nạn tại Uttarakhand bị rơi hôm 25/6 làm 20 người thiệt mạng, trong đó có 5 thành viên đội bay, nguyên soái N.A.K. Browne, Tham mưu trưởng IAF đã tới động viên các binh sĩ, cam kết tiếp tục nỗ lực cứu trợ và hy vọng chiến dịch sẽ hoàn tất trong vài ngày tới nếu thời tiết thuận lợi. Tính đến ngày 23/6, tổng cộng 96.500 người đã được sơ tán khỏi các vùng bị kẹt. Chính phủ và các cơ quan cứu hộ đã huy động khoảng 50 máy bay lên thẳng, hơn 4.000 xe cơ giới, đồng thời lắp đặt hàng chục trạm điện thoại vệ tinh để phục vụ họat động cứu trợ.
Theo số liệu chính thức công bố ngày 26/6, số người chết do lũ lụt tại bang Uttarakhand là 822, song có nguồn tin cho rằng ít nhất khoảng 5.000 người thiệt mạng, thậm chí còn nhiều hơn, vì nhiều người hiện trong diện mất tích. Hàng ngày lực lượng cứu hộ vớt hàng chục xác chết trôi trên sông Hằng, trong khi nước chưa rút hết để đào bới các đống đổ nát tìm kiếm nạn nhân. Một quan chức cứu hộ cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là cứu người sống, hàng nghìn người mất tích chưa tìm thấy.
Có những đống đổ nát chất cao khoảng 3 mét tại Kedarnath, khu vực bị lụt nghiêm trọng nhất của bang Uttarakhand và người ta e rằng nhiều người còn bị kẹt trong đó. Tổng giám đốc cảnh sát khu vực, ông Satyavrat Bansal nói rằng việc “xử lý” thi thể nạn nhân cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nhiều người vẫn nằm trong các đống đổ nát, phải cần đến máy xúc chuyên dụng để đào bới.
Công việc cứu trợ vẫn còn ngổn ngang, song tại Kedarnath, nơi có ngôi đền Kedarnath nổi tiếng, thi thể nạn nhân đã được tập trung để làm lễ hỏa thiêu vào chiều 27/6, bởi các thi thể họ bắt đầu phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chức năng tại Uttarakhand đang cố gắng kiếm 50 tấn củi và một khối lượng lớn “desi ghee” (chất liệu dùng để hỏa thiêu) để tiễn đưa các nạn nhân xấu số về cõi “vĩnh hằng”.
Hậu quả nặng nề
Họat động cứu trợ có thể sẽ kết thúc vào tuần tới, nhưng khắc phục hậu quả của thảm họa tại Uttarakhand còn cả một chặng đường dài hết sức gian nan. Chính phủ trung ương đã tuyên bố viện trợ cho bang Uttarakhand 10 tỷ rupee, ngoài các khoản tiền trợ cấp cho gia đình nạn nhân; tất cả các cơ quan trung ương và các bang cũng chung tay giúp đỡ Uttarakhand. Khắc phục ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch, thuốc men, đề phòng dịch bệnh là những nhiệm vụ trước mắt mà bang Uttarakhand cần làm.
Bang Uttarakhand là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hàng năm hàng trăm nghìn lượt khách du lịch hàng hương tới đây để lễ bái, nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn cảnh đẹp của vùng núi. Các quan chức du lịch tại Uttarakhand cho rằng trận lũ lụt tồi tệ đã làm giảm doanh thu du lịch của bang 20-30%. Các khu nghỉ dưỡng tại vùng núi như Mussoorie và Nainital không hề bị ảnh hưởng lũ lụt song du khách bị tác động tâm lý nên không muốn tới nghỉ nữa.
Ông Satya Paul Kochhar, chủ tịch tập đoàn khách sạn Madhuban cho biết năm nay là mùa du lịch tồi tệ nhất của khu nghỉ dưỡng Mussoorie. Thông thường, vào mùa cao điểm (tháng 5-6) phòng nghỉ của khách sạn kín hết chỗ, nay chỉ có 10-20% số phòng có khách lưu trú. Các công ty lữ hành cho rằng việc khôi phục cơ sở hạ tầng tại các vùng bị lũ lụt nặng ở bang Uttarakhand để thu hút du khách trở lại phải mất ít nhất vài năm.
Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)