Trong báo cáo đánh giá đầu tiên về nhiệt độ toàn cầu dựa trên dữ liệu của cả năm, Copernicus cho biết trong năm qua, nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất là 14,7 độ C, thấp hơn 0,2 độ C so với năm 2016 vốn là năm nóng nhất trong lịch sử. Nền nhiệt trong năm 2018 cũng thấp hơn đôi chút so với các năm 2017 và 2015.
Giám đốc Copernicus, Jean-Noel Thépaut, nêu rõ các hiện tượng khí hậu cực đoan như mùa Hè khô và nóng tại phần lớn các nước châu Âu hay nhiệt độ gia tăng ở các khu vực Bắc Cực là các dấu hiệu cảnh báo đối với thế giới.
Hồi cuối tháng 11/2018, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc cảnh báo nhiệt độ toàn cầu trong năm 2018 sắp chạm ngưỡng cao thứ 4 trong lịch sử, đồng thời nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp để kiểm soát tình trạng nóng lên của Trái đất.
Báo cáo của WMO cho biết 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều là trong 22 năm qua và 4 năm gần đây gồm 2015, 2016, 2017 và 2018 cũng là 4 năm liên tiếp nóng nhất trong lịch sử. WMO dự báo với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - "thủ phạm" chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu - đang ở mức cao kỷ lục, thế giới sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Các phái đoàn từ gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) diễn ra hồi tháng trước ở Katowice, Ba Lan, đã nhất trí một bộ quy tắc cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua hồi năm 2015.
Thỏa thuận Paris thúc đẩy chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp định.