Theo báo Anh Guardian, khoảng 50 quả bom hạt nhân dự trữ tại căn cứ không quân chung İncirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành quân bài mặc cả tiềm năng trong quan hệ căng thẳng giữa Washington và Ankara liên quan đến chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở miền Bắc Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/10 đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm cấp thị thực đối với một số thành viên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ông Trump cảnh báo sắp áp đặt các lệnh trừng phạt lớn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chiến dịch quân sự của Ankara. Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố một lệnh cấm vận bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan cho biết ông sẽ đáp trả mạnh mẽ trước những nỗ lực của phương Tây tìm cách cô lập Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định sẽ không ngừng chiến dịch cho tới khi đạt được mục tiêu đề ra. “Chúng tôi quyết tâm đưa chiến dịch đi đến chặng cuối cùng. Chúng tôi sẽ kết thúc cái mà chúng tôi bắt đầu”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trong một chuyến thăm Baku, Azerbaijan.
Theo một bài viết trên báo New York Times (NYT) xuất bản ngày 14/10, gần đây, quan chức chính quyền Tổng thống Trump đang âm thầm xem xét kế hoạch di dời số bom hạt nhân B-61 ra khỏi căn cứ İncirlik - nằm cách biên giới Syria 160 km. Một quan chức cấp cao cho rằng số bom đó trở thành con tin của Tổng thống Erdogan và động thái chuyển các thiết bị hạt nhân rời khỏi căn cứ İncirlik sẽ trở thành dấu chấm hết cho mối quan hệ đồng minh Washington-Ankara.
Số bom trên là di tích từ thời Chiến tranh Lạnh. Để triển khai số vũ khí này, Mỹ sẽ phải điều máy bay tới để tích hợp. Trong khi đó, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ không sở hữu máy bay nào có khả năng mang được vũ khí hạt nhân.
Đây không phải là lần đầu chính quyền Mỹ cân nhắc chuyển kho bom hạt nhân ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa bao giờ trở thành sự thực. Năm 2016, một cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Erdogan đã khiến toàn bộ hệ thống cung cấp điện cho căn cứ không quân Incirlik bị cắt trong vài ngày, đặt ra câu hỏi về sự an toàn của số vũ khí hạt nhân ở đây.
Trong suốt 30 năm, các cuộc thảo luận về việc di dời số bom hạt nhân ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ đã gây không ít tranh cãi trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một số quốc gia thành viên, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, coi kho bom này là biểu tượng đầy giá trị cho sự cam kết của Mỹ về phòng thủ chung.
Theo lời một cựu quan chức Mỹ, phản ứng trước đề xuất di dời số bom trên, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quốc gia này sẽ tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong một buổi đại hội tiếp xúc người ủng hộ tháng trước, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh “không thể chấp nhận được” khi Thổ Nhĩ Kỳ không có kho vũ khí của riêng mình. “Không có quốc gia phát triển nào trên thế giới không sở hữu vũ khí hạt nhân”.