Hạn chế di chuyển, đi lại nhằm kiểm soát làn sóng bùng phát lây nhiễm COVID-19 trong Liên minh châu Âu (EU) được dự đoán là sẽ không có tác động mạnh đối với hoạt động sản xuất và tăng trưởng kinh tế như các làn sóng trước đây. Nguyên nhân là do các biện pháp hạn chế này chỉ nhằm vào một bộ phận nhỏ trong cơ cấu dân số - đó là những người chưa tiêm chủng.
Mùa đông năm ngoái, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) rơi vào suy thoái sau khi tổng sản lượng kinh tế tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, khởi nguồn từ biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt của chính phủ các nước nhằm kiểm soát dịch bệnh. Vài tuần trở lại đây, số ca mắc mới ở châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Riêng Đức, Áo và Hà Lan đều đối mặt với kỉ lục về số ca lây nhiễm kể từ khi dịch bùng phát.
Chính điều này đã làm xuất hiện tâm lý lo ngại về đà phục hồi kinh tế của khu vực. Nhưng giới chuyên gia nhận định gần như không có khả năng các nước quay trở lại biện pháp đóng cửa diện rộng, quy mô toàn quốc, khi đã có tới 2/3 dân số trong EU được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều. Độ che phủ vaccine cao đồng nghĩa với số ca tử vong, bệnh nặng phải nhập viện giảm sâu so với thời điểm địch dịch trong các làn sóng trước đó.
Với biện pháp mạnh tay mới nhất nhằm vào nhóm chưa tiêm chủng, giới chuyên gia kinh tế tin rằng chính phủ các nước có thể sẽ tránh được vết xe đổ vỡ kinh tế, đình đốn sản xuất, nhưng vẫn khuyến khích những người còn lưỡng lự tiêm chủng đi tới quyết định tiêm vaccine. Áo là nước đầu tiên trong EU công bố biện pháp đóng cửa toàn quốc với người chưa tiêm chủng, quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 14/11.
Theo Katharina Utermohl, chuyên gia kinh tế tại Allianz, ở thời điểm hiện tại, có thể xuất hiện suy giảm về tiêu dùng. Nhưng làn sóng lây nhiễm mới khó có thể làm chệch hướng phục hồi ở châu Âu. Doanh số bán lẻ dịp Giáng sinh năm mới tại các cửa hàng, trung tâm thương mại có thể sẽ rất tệ, nhưng bù lại hoạt động mua sắm qua mạng vẫn được duy trì. Hoạt động nhà hàng, du lịch, khách sạn sẽ dần ổn định.
Xu hướng này làm suy giảm triển vọng tăng trưởng ngắn hạn trong vài tháng cuối năm 2021 ở eurozone. Nhưng các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng chỉ chậm lại, chứ không đi vào suy thoái. Ủy ban châu Âu (EC) hồi tuần trước dự báo khu vực tăng trưởng trong eurozone từ 2,3% trong quý 3 sẽ giảm xuống còn 0,8% trong quý 4.
Giới phân tích đa phần đều cho rằng nguyên nhân chính của suy giảm tăng trưởng là do tình trạng thắt cổ chai trong chuổi cung toàn cầu, làm suy giảm sản lượng, đẩy lạm phát tăng cao. Lạm phát tháng 10 trong eurozone đã lên mức 4,1%, ngưỡng cao nhất trong vòng 13 năm qua.
Báo cáo kinh tế mùa Thu của EU cũng cho biết nền kinh tế châu Âu đã phục hồi tốt sau cuộc suy thoái lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái và sự tăng trưởng sẽ tiếp tục vào năm tới, bất chấp làn sóng lây nhiễm đang gia tăng tại châu Âu. Báo cáo nâng dự báo tăng trưởng GDP của eurozone năm 2021 lên 5% so với mức 4,8% dự kiến trước đó. Tuy nhiên, EC lại hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2022 xuống mức 4,3%, so với mức dự báo 4,5% hiện nay.
“Tôi không nghĩ rằng nhà hàng sẽ lại vắng bóng khách hàng. Ảnh hưởng của virus là khá nhỏ. Nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng hiện nay là thực trạng chuỗi cung ứng”, Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại tập đoàn Berenberg nhìn nhận. Theo ông, những biện pháp hạn chế mà một số nước châu Âu như Áo, Hà Lan hay Đức áp đặt đối với người chưa tiêm vaccine chỉ mang tính “tự điều chỉnh hành vi”, hối thúc mọi người đi tiêm chủng tích cực hơn.
Diễn biến tại Anh phần nào cũng giúp trấn an các nước EU. Sau khi lây nhiễm lên đỉnh, dịch bệnh tại Anh có xu hướng lắng dịu, ổn định trong thời gian gần đây. Anh là nước bước vào sóng dịch mới sớm hơn các nước EU. Vì thế, có thể kỳ vọng vào một chiều hướng ổn định ở châu Âu, đặt trong bối cảnh độ che phủ vaccine ở nhiều nước được nâng lên.
“Nếu dịch bệnh tại Anh tiếp tục xu hướng như hiện nay, các nước sẽ phải rất cân nhắc về áp đặt các biện pháp đóng cửa hà khắc diện rộng. Chính quyền các nước đều lo sợ hệ lụy kinh tế từ đóng cửa và họ cũng thừa hiểu người dân đã mất kiên nhẫn, mệt mỏi với giải pháp này”, ông Furtjes chia sẻ.