Là người luôn ủng hộ quyền của phụ nữ và từng thúc đẩy quy định về tỷ lệ nữ giới trong các hội đồng quản trị khi còn là Bộ trưởng Lao động Đức, bà Ursula von der Leyen mong muốn có sự bình đẳng giới trong đội ngũ ủy viên châu Âu sắp tới, nhưng tình hình hiện tại cho thấy mục tiêu này khó có thể đạt được.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, mặc dù đã yêu cầu các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đề cử cả nam và nữ ứng cử viên, nhưng phần lớn các quốc gia vẫn chỉ gửi đề cử nam giới. Đến nay, trong số 21 ứng viên đã được công bố có 16 ứng cử viên nam, chỉ có 5 ứng cử viên nữ. Trong số các nữ ứng cử viên, chỉ có 2 người giữ vai trò quan trọng trong cơ quan điều hành của EU, gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách chính sách đối ngoại.
Mặc dù không có quy định pháp lý nào bắt buộc các quốc gia phải đề cử ứng viên nữ, nhưng bà Ursula von der Leyen yêu cầu các quốc gia thành viên đề cử hai ứng viên, một nam và một nữ, để tạo điều kiện cho việc lựa chọn.
Thông tin từ Đài phát thanh và truyền hình cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (RTBF) cho biết hiện tại, 5 quốc gia, trong đó có cả Bỉ, vẫn chưa đề cử ứng viên. Thời hạn để công bố lựa chon là ngày 30/8. Tuy nhiên, do quá trình thành lập chính phủ liên bang diễn ra chậm, Bỉ có thể sẽ không kịp gửi đề cử đúng hạn. Tại Bỉ, vị trí ủy viên châu Âu có tầm quan trọng tương đương bộ trưởng và việc lựa chọn ứng viên sẽ ảnh hưởng đến quá trình thành lập chính phủ. Trong khi đó, Ireland chỉ đề cử ông Michael McGrath, khẳng định ông là ứng viên phù hợp nhất.
Với tình hình hiện tại, nhiều khả năng trong tổng số 27 ủy viên châu Âu chỉ có 7 nữ (gồm cả Chủ tịch Ursula von der Leyen), tức chỉ chiếm khoảng 26%. Đây là một sự thụt lùi đáng kể so với nhiệm kỳ trước, khi tỷ lệ hai giới trong EC gần như ngang bằng, với 13 nam và 12 nữ. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với cam kết của EU đạt được bình đẳng giới ở tất cả các cấp lãnh đạo vào cuối năm 2024.
Một trong những yếu tố làm phức tạp thêm nhiệm vụ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong việc đảm bảo bình đẳng giới là quy định miễn trừ cho các quốc gia muốn giữ lại vị trí ủy viên đương nhiệm. Điều này có nghĩa là các nước đó không cần đề cử hai ứng viên (một nam và một nữ). Hầu hết các ủy viên châu Âu được giữ lại đều là nam giới, điển hình như ông Thierry Breton của Pháp hay ông Maroš Šefčovič của Slovakia, những người có tầm ảnh hưởng lớn trong ủy ban.
Một công cụ khác để thúc đẩy bình đẳng giới là quyền hạn của Nghị viện châu Âu (EP). Sau khi nhận được các đề cử từ các quốc gia thành viên, bà Ursula von der Leyen sẽ phân công các lĩnh vực trách nhiệm. Tiếp theo, các ứng viên sẽ phải trải qua các buổi điều trần tại EP. Cơ quan này sẽ xem xét kỹ lưỡng và có thể từ chối những ứng cử viên được cho là không đạt yêu cầu.
Các quy định nội bộ của EP yêu cầu các nghị sĩ đặc biệt chú ý vấn đề bình đẳng giới trong quá trình điều trần của các ứng cử viên. Những ứng cử viên bị cho là "yếu" có thể sẽ bị từ chối, đặc biệt là nếu quốc gia của họ không đề cử ứng viên nữ. Điều này sẽ buộc các chính phủ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi chọn người thay thế.
Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ gây ra những căng thẳng tương tự lần trước, khi EP từ chối 3 ứng viên trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà von der Leyen năm 2019, khiến việc nhậm chức Chủ tịch EC bị trì hoãn một tháng.
Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh khó đạt mục tiêu bình đẳng giới ở cấp cao, bà Ursula von der Leyen trước hết có thể tập trung thúc đẩy bình đẳng giới ở các cấp quản lý tầm trung trong EC, một mục tiêu khả thi mà bà có thể đạt được trong 5 năm tới.