Ứng dụng có tên "Rửa xe an toàn" ra mắt hồi tháng 6 năm ngoái. Theo ứng dụng này, ước tính có khoảng 18.000 điểm rửa xe bị nghi bóc lột sức lao động của nhân viên rửa xe. Với khoảng 8.200 lượt cài đặt cho đến nay, ứng dụng này cho phép các lái xe trả lời các câu hỏi như các điểm rửa xe chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt hay không, điều kiện chỗ ở của nhân viên rửa xe hay nhân viên có biểu hiện sợ hãi hay không. Nếu các câu trả lời mà lái xe đưa ra dẫn tới kết quả về khả năng cao có tình trạng nô lệ lao động, thì ứng dụng sẽ đưa người sử dụng đến phần thông báo qua dịch vụ điện thoại tư vấn, qua đó báo cáo về tình trạng này với nhà chức trách.
Tuy nhiên, một khảo sát về ứng dụng "Rửa xe an toàn" cho thấy, chỉ 18%, tương đương 126 người sử dụng, đã báo cáo việc bóc lột sức lao động với nhà chức trách Anh trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 năm ngoái. Con số này là "đáng thất vọng", song một số nhà hoạt động cho rằng chính Chính phủ Anh cần thể hiện vai trò nhiều hơn trong việc ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động tại điểm rửa xe ô tô.
Chỉ số Nô lệ toàn cầu của Quỹ Walk Free cho thấy tính từ năm 2015 cho đến nay, tại Anh có khoảng 136.000 nô lệ lao động thời hiện đại, gấp 10 lần so với số thống kê của chính phủ. Đa số nạn nhân của tình trạng bóc lột sức lao động này làm việc tại các công trường xây dựng, tiệm làm móng, nông trường và các nhà máy, đặc biệt tình trạng này ngày càng gia tăng tại các tiệm rửa xe trong 10 năm qua với nhiều doanh nghiệp không giấy phép mọc lên "như nấm" trên khắp nước Anh.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Quốc hội Anh đã yêu cầu mở cuộc điều tra về tình trạng nô lệ lao động tại các điểm rửa xe ô tô, nơi có hàng nghìn lao động được cho là nạn nhân của tình trạng này. Trong số đó, đa phần là nam giới đến từ các nước Đông Âu, bị lâm vào cảnh nợ nần, bị tước giấy tờ tùy thân và bị ép buộc làm việc trong điều kiện không an toàn. Những người này thậm chí bị các chủ nợ đe đọa và bị hành hung.