Để lại một vệt hơi nước trên bầu trời xanh, đây được cho là khoảnh khắc ngay sau khi một tên lửa đất đối không được phóng lên với vận tốc 1.900 dặm/giờ, hướng về phía chiếc Boeing 777 đang trên hành trình bay số hiệu MH17 của Hàng không Malaysisa. Khoảng 2 giây sau khi bức ảnh được chụp, phi cơ chở 298 người của Malaysia Airlines vỡ tung trên không trung.
Bức ảnh chụp vệt hơi nước được cho là từ quả tên lửa phóng từ Snizhne, bắn trúng chiếc máy bay MH17.
|
Quả tên lửa được phía Ukraine xác định là được phóng lên ở rìa thị trấn Snizhne, do lực lượng ly khai miền đông kiểm soát. Nó mất khoảng 12 giây để với tới mục tiêu, khi đó đang bay ở độ cao khoảng 10.000 mét.
"Đây là vệt hơi nước từ quả tên lửa phóng trúng chiếc Boeing", giám đốc tình báo Ukraine Vitaliy Naida khẳng định trong cuộc họp báo ngày 19/7.
Hai ngày trước đó, chính thị trấn Snizhne đã bị tấn công bởi tên lửa mà phe ly khai cho là từ một máy bay chiến đấu Ukraine. Vụ không kích này nhằm trúng các nhà dân, khiến 11 người thiệt mạng.
Sơ đồ địa điểm phóng tên lửa theo cáo buộc từ chính quyền Ukraine và khu vực hiện trường máy bay rơi.
|
Sau khi xảy ra thảm kịch máy bay MH17 bị bắn rơi, nhiều chuyên gia Mỹ và phương Tây đã nhấn mạnh nhiều vào giả thuyết máy bay bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không BUK, một hệ thống phức tạp mà cả Nga và Ukraine đều sở hữu.
Trong diễn biến liên quan, Ukraine cũng vừa tuyên bố nước này nắm giữ "bằng chứng thuyết phục" chỉ ra rằng Nga đóng vai trò quyết định trong vụ bắn rơi máy bay MH17.
Bệ phóng di động tên lửa đất đối không BUK đang được đưa vào Donetsk, theo cáo buộc của chính quyền Kiev, trước khi máy bay chở khách Malaysia bị bắn rơi.
|
"Chúng tôi có bằng chứng thuyết phục chỉ ra rằng hành vi khủng bố được thực hiện với sự hỗ trợ của Liên bang Nga. Chúng tôi biết rõ rằng những người tham gia hệ thống phóng tên lửa là công dân Nga", Reuters dẫn lời Giám đốc tình báo Ukraine Vitaly Naida khẳng định.
Theo tờ Dailymail của Anh, ông Naida cho biết, Kiev thu thập được bằng chứng cho thấy hệ thống tên lửa dẫn đường radar BUK-1 (hay SA-11 theo cách định danh của NATO) được đưa vào lãnh thổ Ukraine từ Nga, cùng với một nhóm ba người, trên đoàn xe ba chiếc gồm: một bệ phóng với 4 quả tên lửa; một bệ phóng tên lửa trống và một xe chỉ huy với các thiết bị đặt lệnh phóng. Phía Ukraine đã kêu gọi Nga cung cấp tên của ba người này để phục vụ công tác điều tra. Ba hệ thống tên lửa, theo Kiev, hiện đã được đưa trở về lãnh thổ Nga.
Minh hoạ tên lửa BUK bắn trúng máy bay MH17.
|
Trước đó, cũng trong ngày 19/7, Nga đã phản đối kịch liệt sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng một quả tên lửa bắn từ khu vực do lực lượng dân quân tại miền Đông Ukraine kiểm soát đã hạ máy bay MH17. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng chính quyền Mỹ đã tìm cách đổ lỗi cho lực lượng nói trên và Nga mà không chờ kết quả điều tra.
Thu Hằng