Thỏa thuận xác định mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU giai đoạn hậu Brexit là kết quả của gần 9 tháng đàm phán vô cùng khó khăn, đỉnh điểm là các cuộc thương lượng kéo dài xuyên đêm trong mấy ngày qua, khi mối lo về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Anh và đã xuất hiện tại một số nước châu Âu, đè trĩu lên vai cả hai.
Thỏa thuận mới được các chính trị gia và người dân đón nhận một cách vui vẻ bởi có những thời điểm viễn cảnh rối loạn trong giao thương giữa Anh và EU sau giai đoạn quá độ ngày 31/12/2020 tới tưởng như không thể tránh khỏi. Thỏa thuận đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành đã cướp đi sinh mạng của gần 70.000 người ở Anh và hơn 1,7 triệu người trên phạm vi toàn cầu, đồng thời khiến kinh tế Anh và nhiều nước EU rơi vào suy thoái.
Thủ tướng Boris Johnson đã hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời gửi thông điệp tới EU rằng: "Chúng tôi sẽ là người bạn của các bạn, đồng minh của các bạn, người ủng hộ của các bạn và thực sự, không bao giờ được phép quên, là thị trường số một của các bạn". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi đây là một "thỏa thuận công bằng và cân bằng". Bà bình luận: "Thỏa thuận này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho một khởi đầu mới với một người bạn lâu năm. Điều đó có nghĩa là cuối cùng, chúng tôi có thể đặt Brexit lại phía sau và châu Âu sẽ tiếp tục tiến về phía trước". Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo nhiều nước EU đều đánh giá cao thỏa thuận này.
Ngược thời gian gần 11 tháng trước, 23 giờ ngày 31/1/2020, nước Anh đã chính thức ra khỏi EU, chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh kinh tế lớn nhất hành tinh này. Phát biểu đánh dấu sự kiện này, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu”. Và đây đúng là sự khởi đầu cho một quá trình đàm phán phức tạp với nhiều thời hạn được đặt ra, rồi bị bỏ qua.
Chỉ hơn một tháng sau ngày chính thức ra khỏi EU, đầu tháng 3, Anh đã khởi động vòng đàm phán đầu tiên với EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận điều chỉnh mối quan hệ hai bên trong tương lai. Cả hai đều đặt ra mục tiêu sớm đạt được một thỏa thuận toàn diện, không thuế quan, không hạn ngạch… do hai bên là đối tác quan trọng của nhau và kỳ vọng rằng sự tương đồng có được sau 47 năm Anh là thành viên EU sẽ giúp sớm giải quyết những bất đồng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng tại nhiều nước châu Âu. Các biện pháp phòng chống dịch khiến giới chức EU và Anh không thể gặp trực tiếp và các cuộc đàm phán bị tạm dừng. Đến cuối tháng 4, đàm phán mới được nối lại qua hình thức trực tuyến, nhưng không mấy hiệu quả do sự khác biệt giữa hai bên trong một loạt vấn đề vẫn quá lớn. Trong vòng đàm phán từ ngày 2-5/6, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier thậm chí cáo buộc Anh "cố tình đi ngược lại" một số tuyên bố chính trị mà hai bên đã nhất trí, trong khi phía Anh chỉ trích đại diện EU "hành động như là trọng tài".
Ngay cả khi hai bên thống nhất tăng cường đối thoại để sớm cùng nhau tìm ra những nguyên tắc chung cho một thỏa thuận, thì việc Chính phủ Anh ngày 9/9 đưa ra dự luật Thị trường nội địa, mà EU cho rằng có những điều khoản vi phạm Thỏa thuận rút lui hai bên ký tháng 10/2019, đã khiến đàm phán hầu như bế tắc. Không chỉ phản đối mạnh mẽ, EU còn yêu cầu Anh phải rút lại dự luật, nếu không sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý.
Dẫu sau đó, Chính phủ Anh đã tuyên bố từ bỏ các điều khoản được cho là vi phạm Thỏa thuận rút lui, nhưng lòng tin giữa EU và Anh dường như đã bị ảnh hưởng. Hai bên không thể lấp đầy được sự khác biệt trong nhiều vấn đề quan trọng để có thể ký kết được một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh EU giữa tháng 10, như mục tiêu chính phía Anh đặt ra.
Tuy nhiên, do Anh và EU là những thị trường quan trọng của nhau và do những tác động to lớn về kinh tế nếu không đạt được một thỏa thuận hậu Brexit, hai bên lại nhất trí tiếp tục đàm phán và thời hạn 10/12 được đặt ra. Gần hai tháng đàm phán sau đó là quãng thời gian hy vọng và thất vọng đan xen nhau, đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 9/12 đã phải lên đường sang Brussels để thảo luận trực tiếp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen với mong muốn có thể giải quyết những bất đồng mấu chốt, song một lần nữa, các mốc thời gian mới lại bị bỏ lỡ.
Chỉ vài ngày trước thời điểm 24/12, Thủ tướng Johnson đã nhấn mạnh rằng nước Anh sẽ phát triển mà không cần thỏa thuận với EU. Ông Johnson còn yêu cầu lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh chuẩn bị sẵn sàng cho việc ngăn chặn các tàu cá EU xâm nhập vào các vùng biển của Anh sau ngày 31/12. Tuy nhiên, có vẻ viễn cảnh một cái kết đầy hỗn loạn về kinh tế-thương mại giữa EU và Anh vào đêm chuyển sang Năm mới 2021 đã khiến hai bên nỗ lực tối đa trong những ngày nước rút, để đạt được thỏa thuận làm cả hai hài lòng.
Để có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, trong thời gian ít ỏi còn lại của năm 2020, thỏa thuận dài gần hai nghìn trang này cần được các bên phê chuẩn. Với việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson chiếm đa số tại Hạ viện và lãnh đạo Công đảng đối lập cũng đã lên tiếng ủng hộ, sẽ không có mấy rào cản để Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận trong một phiên họp bất thường trước thềm Năm mới.
Chính phủ các nước EU đã theo sát tiến trình đàm phán, nên nhiều khả năng sẽ không nước nào phản đối thỏa thuận. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu đã quyết định cần thêm thời gian và sẽ chưa phê chuẩn thỏa thuận này trước tháng 1/2021. Do đó, các bên có thể phải áp dụng các điều khoản của thỏa thuận này một cách tạm thời trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu.
Thỏa thuận thương mại Anh và EU vừa đạt được sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan. Mặc dù vậy, mối quan hệ Anh và EU từ ngày 1/1/2021 sẽ thay đổi, hạn chế hơn nhiều so với hiện tại.
Về mua bán hàng hóa giữa hai bên, vốn chiếm một nửa trong số 900 tỷ USD kim ngạch thương mại hằng năm của EU-Anh, với thỏa thuận này Anh là nền kinh tế ngoài EU duy nhất trên thế giới được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở như vậy. Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng những quyền như khi là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu. Kể từ ngày 1/1/2021, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.
Về cạnh tranh bình đẳng, EU chấp nhận thương mại phi thuế quan để đổi lấy việc Anh chấp nhận duy trì các tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước, môi trường và các quyền của người lao động nhằm đảm bảo một "sân chơi bình đẳng" cho các doanh nghiệp EU. Tuy nhiên, Anh sẽ không bị bắt buộc phải tuân theo các quy định của EU hoặc chịu sự tài phán của Tòa án Công lý châu Âu một cách trực tiếp. Nhưng việc không còn nằm trong thị trường chung châu Âu cũng dẫn đến một số hậu quả pháp lý khác. Ví dụ một sản phẩm của doanh nghiệp Anh, được cơ quan quản lý Anh cấp phép cho lưu hành tại thị trường nước này, nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm đó cũng được phép lưu hành trên thị trường EU như trước đây.
Theo thỏa thuận, các ngư dân EU được bảo đảm quyền tiếp cận các vùng biển của Anh trong khoảng thời gian quá độ kéo dài hơn 5 năm kể từ ngày 1/1/2021, nhưng với hạn ngạch bị cắt giảm 25% so với hiện nay. Khi thời gian quá độ trên kết thúc, quyền tiếp cận các vùng biển Anh sẽ phụ thuộc vào những cuộc đàm phán hằng năm giữa hai bên.
Một mối lo ngại lớn hơn là các điều khoản của thỏa thuận gần như chỉ tập trung vào vấn đề mua bán hàng hóa, chưa đề cập đến lĩnh vực dịch vụ vốn chiếm 80% nền kinh tế Anh. EU vẫn chưa đưa ra quyết định công nhận các quy định của Anh đối với dịch vụ tài chính là tương tương với các quy định của EU, để các công ty tại Anh được tiếp tục cung cấp dịch vụ tại các thị trường EU. Với việc EU vẫn phụ thuộc vào các dịch vụ và thị trường huy động vốn tại London, Brussels có thể sẽ sớm ra quyết định công nhận tính tương đương. Tuy nhiên, trong tương lai, Brussels vẫn có quyền thu hồi lại quyết định này mà chỉ cần thông báo trước 30 ngày.
Việc đi lại giữa Anh và EU sẽ bị tác động tức thì. Các công dân Anh sẽ không còn được hưởng quyền tự do đi lại tại EU, không thể tìm việc làm và sinh sống ở đó như công dân sở tại. Thay vào đó, người Anh sẽ chỉ được miễn thị thực khi vào EU ngắn hạn, còn quyền tìm kiếm việc làm thì phụ thuộc vào quy định của quốc gia sở tại. Chiều ngược lại, các công dân EU cũng không còn được tự do di chuyển vào Anh bởi Chính phủ Anh xác định một trong những mục tiêu khi ra khỏi EU là cho phép nước này thiết lập một hệ thống kiểm soát nhập cư mới.
Về an ninh, EU và Anh cố gắng tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, nhưng việc Anh quyết tâm không muốn nằm dưới quyền tài phán của Tòa án Công lý châu Âu khiến cho các cuộc đàm phán về vấn đề này trở nên phức tạp.
Với những thay đổi trong mối quan hệ hai bên, Văn phòng trách nhiệm ngân sách (OBR) Anh dự báo trong vòng 15 năm, nền kinh tế Anh bị thiệt hại 4% so với việc vẫn là thành viên của EU. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn tốt hơn so với việc không đạt được một thỏa thuận khi mức thiệt hại của nền kinh tế Anh sẽ là 6% trong cùng khoảng thời gian.
Về phía EU, Giáo sư Hylke Vandenbussche tại Đại học Leuven (Bỉ), nhận định rằng một Brexit với thỏa thuận thương mại tự do sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế kết hợp của 27 quốc gia EU giảm 0,% và mất khoảng 280.000 việc làm.
Dù sao thì với thỏa thuận ngày 24/12, Anh và EU cũng có được "cái kết đẹp", bởi như nhà kinh tế John van Reenen, Giáo sư tại Trường Kinh tế London nhận định: “sự ra đi không thỏa thuận sẽ rất đau đớn vì nó ập đến như một cơn sóng thần". Thỏa thuận này cũng đánh dấu bước khởi đầu mới cho quan hệ Anh-EU hậu Brexit. Việc của hai bên là tiếp tục thương lượng để có thể triển khai thỏa thuận hiệu quả nhất.