Theo nghiên cứu, hiện tượng hồi tiếp rõ rệt giữa cháy rừng và thời tiết tại nhiều khu vực dễ cháy, trong đó có bờ biển phía Tây nước Mỹ và Đông Nam Á, có thể được sử dụng để điều chỉnh các chiến lược giảm cháy rừng.
Cháy rừng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trên toàn thế giới trong vài thập niên qua, tuy nhiên giới khoa học vẫn ít biết cách thức các yếu tố có thể tác động đến thời tiết ngắn hạn liên quan đến cháy rừng, chẳng hạn như muội than từ khói cháy rừng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Kinh, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc và Viện Hóa học Max Planck của Đức phát hiện ra rằng các tác động bức xạ của sương mù từ khói có thể làm thay đổi gió gần mặt đất, độ khô của không khí và lượng mưa, theo đó làm trầm trọng thêm ô nhiễm không khí qua việc tăng khí thải do cháy và giảm khả năng tan sương.
Nghiên cứu cho thấy các đám khói cháy rừng tại miền Tây nước Mỹ gây ra gió khô nóng nhiều hơn và gió này làm đẩy nhanh sự lan rộng của cháy rừng. Ngoài ra, khói do cháy tại khu vực mưa mùa ở châu Á làm giảm lượng mưa và do đó kéo dài mùa cháy rừng.
Theo nghiên cứu, mặc dù cháy rừng khắc nghiệt tại 2 khu vực trên bị ảnh hưởng khác nhau từ gió khô và mưa, nhưng có chung cơ chế hồi tiếp - cả hai đều do tác động bức xạ của khói cháy rừng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc dập tắt cháy ở giai đoạn đầu bùng phát dựa trên dự báo gần thời gian thực có thể ngăn chặn một số vụ cháy rừng khắc nghiệt.