Số liệu thống kê chính thức cho thấy bang Sarawak trên phần đảo Borneo bên phía Malaysia là nơi chịu tác động nặng nề nhất từ các đám cháy rừng nói trên. Chỉ riêng tại bang này đã có tới hơn 1.000 trường phải tạm ngừng hoạt động, trong khi đó chất lượng không khí ở mức "nguy hiểm" tại một khu vực giáp giới Indonesia.
Trái lại, tình hình có phần khả quan hơn ở Singapore. Bầu trời "đảo quốc sư tử" đã quang đãng hơn khi khói mù bay bớt, chất lượng không khí cũng đã được cải thiện lên mức 60, mức "vừa phải" theo thang đánh giá chỉ số Tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) của Cục Môi trường quốc gia nước này. Điều này góp phần làm giảm đi những lo ngại về nguy cơ gây ảnh hưởng tới giải đua xe Công thức 1 (F1) vào cuối tuần này.
Các nhà tổ chức giải đấu cho biết họ đã lên kế hoạch đề phòng tình hình khói mù chuyển biến xấu, đồng thời đang dự trữ nhiều khẩu trang phòng ô nhiễm để các khán giả tới xem có thể mua khi cần.
Hiện vẫn chưa thể loại trừ khả năng hướng gió có thể thay đổi trước thời điểm cuối tuần và thổi khói mù quay ngược lại Singapore.
Trong khi đó, giới chức Indonesia đã ghi nhận một số thành công trong việc "gieo mây" - tạo mưa bằng cách sử dụng máy bay phun các hóa chất ra ngoài không gian - với một trận mưa rào trút xuống tỉnh Riau trên đảo Sumatra, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cháy rừng.
Tình trạng khói mù bao phủ xảy ra hàng năm tại một số quốc gia Đông Nam Á trong mùa khô khi người dân Indonesia đốt rừng, phát quang đất để trồng cọ dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy. Tuy nhiên, chất lượng không khí trong năm nay được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán kéo dài.
Cơ quan Giảm thiểu thiên tai Indonesia cho biết kể từ đầu năm, hơn 328.000 hécta rừng và đất than bùn bị đốt cháy. Khói mù không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn làm đảo lộn nhịp sống, cũng như khiến nhiều sân bay, trường học phải tạm đóng cửa.