Trang Tellerreport (Mỹ) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa tin hỏa hoạn kinh hoàng hoành hành dọc bờ biển phía Đông của Australia trong nhiều tháng qua đã đẩy khói vượt qua Thái Bình Dương. Ngày 8/1, những làn khói từ các đám cháy đã bay xa nửa vòng Trái Đất đến Nam Mỹ.
“Dự kiến, khói sẽ tạo ra ít nhất một vòng tròn kín trên toàn cầu”, NASA cho biết.
Tại New Zealand, chất lượng không khí đã bị ảnh hưởng, tuyết trên nhiều ngọn núi đã trở nên xám xịt. Khói mù đã làm xuất hiện bình minh rực rỡ và hoàng hôn đỏ tại một số quốc gia Nam Mỹ như Chile và Argentina.
Theo NASA, sức nóng do cháy rừng kết hợp với tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại Australia đã dẫn đến sự hình thành của nhiều cơn giông bão bất thường. Chúng đã đưa khói lên tầng bình lưu với độ cao hơn 16 km.
“Khi ở trong tầng bình lưu, khói có thể đi xa hàng nghìn km từ nguồn của nó và ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện khí quyển toàn cầu”, NASA cho biết.
Rạng sáng ngày 14/1, chất lượng không khí tại thành phố Melbourne của Australia trở nên tồi tệ nhất thế giới. Tại nhiều khu vực trong thành phố, người dân chỉ có thể quan sát được 900 mét trước mặt.
Các chuyên gia cho biết quy mô và cường độ chưa từng có của các vụ hỏa hoạn đã bị làm trầm trọng thêm bởi biến đổi khí hậu. Thảm họa này đã gây ra thiệt hại lớn cho Australia, trong đó ít nhất 27 người đã thiệt mạng do các vụ cháy kể từ tháng 9/2019.
Video: Quan sát khói cháy rừng di chuyển trên vệ tinh (Nguồn: newsweek.com):