Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) ngồi cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AP |
Theo kênh truyền hình CNN, là một hội nghị “không chính thức”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố miền trung Vũ Hán vào hai ngày 27-28/4. Đây được coi là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước sau màn đối đầu quân sự căng thẳng vào mùa hè năm ngoái tại khu vực biên giới tranh chấp ngã ba Ấn-Trung-Bhutan.
Không giống các chuyến thăm nhà nước truyền thống khác, lần gặp mặt này được tính toán làm sao để tránh được những cuộc thảo luận chính sách phức tạp mà thay vào đó, tạo không khí thoải mái hơn cho lãnh đạo hai nước.
Trả lời phỏng vấn phóng viên vào ngày 23/4, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar miêu tả cuộc gặp mặt bất ngờ này không đặt mục tiêu mang cấp quốc gia hay thiết lập nghị sự. Các cuộc trò chuyện sẽ chỉ mang tính “cá nhân và tương tác”.
Nhưng liệu hai nhà lãnh quyền lực này có bỏ qua được những khác biệt giữa hai quốc gia mà làm bạn với nhau?
Đối với Thủ tướng Modi, lợi ích trong việc ổn định quan hệ với Trung Quốc rất rõ ràng. Thủ tướng Ấn Độ định tái tranh cử năm sau. Mặc dù vị thế của ông Modi tại quê nhà vẫn rất nổi tiếng, nhưng một cuộc đối đầu gây thương tích với Trung Quốc, đặc biệt có liên quan đến lực lượng vũ trang của cả hai quốc gia, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới số phiếu bầu chọn cho ông.
Bằng việc gặp ông Tập, Thủ tướng Modi vừa có thể giúp giảm thiểu nguy cơ đó, vừa có thể mở ra cơ hội cho hai bên hợp tác kinh tế.
Theo giới phân tích, cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi diễn ra cùng ngày với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều chỉ là sự trùng hợp, không mang mục đích muốn che phủ nhau.
“Ông Tập cũng đã gặp người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un”, Duncan Innes-Ker – Giám đốc khu vực châu Á tại Viện Tình báo Kinh tế (EIU) giải thích, cho rằng mọi người không nên suy diễn quá nhiều về việc hai sự kiện diễn ra trùng nhau.
Đối với lần gặp này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Là lãnh đạo của hai quốc gia đang phát triển lớn nhất, họ cảm thấy hai quốc gia cần phải tương tác sâu đậm và lâu dài, về những vấn đề chiến lược và toàn diện liên quan đến quan hệ song phương và quan hệ quốc tế”.
Người phát ngôn Lục Khảng cũng nhấn mạnh cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ diễn ra trong bối cảnh “chứng kiến nhiều sự thay đổi bất ngờ trên thế giới hiện nay”.
Hiện cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang diễn ra căng thẳng. Mặc dù bản thân Ấn Độ được Mỹ trợ giúp trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, song mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ cũng đang treo lơ lửng trước mặt nền kinh tế Ấn Độ.
Kết quả là, việc cải thiện quan hệ kinh tế Trung-Ấn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực tái thiết quan hệ song phương.
Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, song tổng giá trị giao thương song phương 84 tỷ USD năm ngoái chỉ là con số nhỏ khi so sánh với 600 tỉ USD giá trị giao thương giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia Innes-Ker chỉ ra rằng với việc "ông lớn" viễn thông ZTE của Trung Quốc bị cấm trên thị trường Mỹ, Trung Quốc thực sự đang đánh liều với căng thẳng thương mại ngày một gia tăng với Mỹ. Ông nói: “Trung Quốc cần đường tiếp cận với thị trường Ấn Độ, nơi mà chính phủ Ấn Độ áp đặt những rào cản phi thuế. Trung Quốc sẽ đạt được lợi ích một khi các vấn đề kinh tế được giải quyết”. Trong khi đó, Ấn Độ lại đang tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào Mỹ.