Theo kênh Al Jazeera ngày 7/11, khi đánh giá tác động kinh tế của cuộc xung đột Israel - Hamas, ILO ước tính Dải Gaza mất 182.000 việc làm.
Bà Ruba Jaradat, Giám đốc ILO khu vực Arab, cho biết: “Đánh giá ban đầu của chúng tôi về hậu quả của cuộc khủng hoảng bi thảm hiện nay đối với thị trường lao động Palestine là nó đã gây ra những hậu quả cực kỳ đáng lo ngại. Điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu xung đột tiếp tục. Các cuộc xung đột đang diễn ra không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo to lớn xét về thiệt hại sinh mạng và các nhu cầu cơ bản của con người, mà còn gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, làm mất nhiều việc làm và hoạt động kinh doanh, gây ra những ảnh hưởng kéo dài trong nhiều năm tới”.
ILO cho biết khu Bờ Tây cũng đã mất khoảng 24% (tương đương 208.000) việc làm, do tác động lan tỏa của chiến tranh.
Theo ILO, khi cộng lại, tình trạng mất việc làm ở hai vùng lãnh thổ của Palestine sẽ dẫn đến thiệt hại thu nhập hàng ngày ước tính là 16 triệu USD.
Bà Jaradat cho rằng người dân ở Gaza phải được phép tiếp cận viện trợ nhân đạo một cách đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở. Bà nói: “Chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi với các đối tác chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo để cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho những người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ họ về lâu dài trong thu thập thông tin quan trọng về thị trường lao động, khôi phục việc làm và các doanh nghiệp, kết hợp với các sáng kiến bảo trợ xã hội trong phạm vi tối đa nhiệm vụ của chúng tôi”.
Bị Israel phong tỏa từ năm 2005, kinh tế Dải Gaza đã khó khăn nghiêm trọng ngay cả trước khi xung đột Israel – Hamas diễn ra. Tỷ lệ thất nghiệp tại vùng lãnh thổ này ở mức 46,4% trong quý 2 năm 2023. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
Theo Liên hợp quốc, hơn 80% dân số Gaza sống dưới mức nghèo khổ. Tình trạng thiếu lương thực, nước uống và vật tư y tế trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Israel thắt chặt phong tỏa và bắt đầu bắn phá khu vực này sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas nhằm vào các cộng đồng Israel.
Theo cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát, ít nhất 10.022 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc oanh tạc của Israel kể từ ngày 7/10. Phía Israel có 1.405 người chết.
Trong bối cảnh xung đột chưa có dấu hiệu ngừng lại, ngày 5/11, lãnh đạo của tất cả các cơ quan quan trọng thuộc Liên hợp quốc đã cùng ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại trước số dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức giữa Israel và Hamas. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nêu rõ: "Trong gần một tháng qua, thế giới đã bàng hoàng theo dõi tình hình ở Israel và vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và kinh hoàng trước số người thiệt mạng cũng như tình trạng chia cắt ngày càng gia tăng". Theo tuyên bố, toàn bộ người dân tại Dải Gaza đang bị bao vây và bị tấn công, không được tiếp cận những nhu yếu phẩm cần thiết để sinh tồn, bị đánh bom khi đang ở trong nhà, nơi trú ẩn, bệnh viện và nơi thờ cúng. Liên hợp quốc cho rằng điều này là không thể chấp nhận được.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi Hamas trả tự do cho trên 240 con tin mà lực lượng này bắt giữ, yêu cầu cả hai bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế khi xảy ra xung đột, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp thêm lương thực, nước uống, thuốc men và nhiên liệu cho Dải Gaza để hỗ trợ người dân tại đây.