Trong giờ “sahur”, máy bay chiến đấu F-16 và T50i sẽ bay lượn khắp bầu trời, trong khi phi công còn được phép sử dụng cả thùng chất đốt phụ để tạo tiếng ồn lớn.
Thông qua tài khoản Twitter @_TNIAU, Không quân Indonesia thông báo hoạt động này sẽ được triển khai tại một số thành phố trên đảo Java như Surabaya, Surakarta, Klaten và Yogyakarta.“Nếu thánh phù hộ, chúng tôi sẽ triển khai truyền thống đánh thức mọi người dậy ăn sahur bằng máy bay chiến đấu”.
Theo tờ Jakarta Post, trong một tuyên bố riêng, người phát ngôn lực lượng trên Sus M. Yuris cho biết nhiệm vụ này không chỉ đơn thuần để duy trì truyền thống mà còn đảm bảo đẩy giờ huấn luyện của lính không quân lên sớm hơn trong tháng lễ Ramanda của người Hồi giáo. Ý tưởng bay huấn luyện lúc bình minh đã được áp dụng vài năm nay.
Người Hồi giáo tại các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và hầu hết các quốc gia tại Trung Đông bắt đầu tháng lễ ăn kiêng Ramadan kể từ ngày 6/5.
Tháng lễ của người Hồi giáo yêu cầu các tín đồ không được ăn uống bất cứ thứ gì kể từ lúc Mặt trời mọc đến lúc Mặt trời lặn. Bữa “sahur” thường bao gồm bánh mỳ, rau, hoa quả, sữa chua lên men, trà, cũng như đậu lăng và đỗ.
Vào lúc Mặt Trời lặn, đánh dấu kết thúc thời gian ban ngày, các gia đình và bạn bè tụ tập ăn bữa tối, được gọi là "iftar", chủ yếu các món như gạo, món hầm, một số món tráng miệng và đồ ngọt.
Theo các chuyên gia y tế, bình minh chính là thời gian phù hợp để các phi công máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ. Họ cũng phản đối việc huấn luyện bay kéo dài sau 10 giờ sáng, bởi đây là thời điểm mức đường trong máu bắt đầu hạ nhanh.
“Phi công máy bay chiến đấu không nên lái máy bay khi họ đang trong tình trạng đường huyết thấp”, Đại tá Yuris nói. Ông cho biết đây là “sứ mệnh kết hợp” đánh thức người dân trong thời gian luyện tập.
Tuy nhiên, việc nhịn ăn này không áp dụng đối với trẻ em, người già, người sức khỏe yếu, phụ nữ đang mang thai, nhân viên bệnh viện hay người hành hương.